Áp dụng công nghệ phát triển kinh tế bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Gia đình ông Trịnh Bá Biện ở thôn Xuân Hội, xã Lạc Vệ (Tiên Du)  được xem như điển hình về chăn nuôi lợn nái, lợn thịt với quy mô hàng trăm con mỗi lứa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, ông Biện mạnh dạn chuyển hướng sang chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt với quy mô ban đầu 8 con bò cái. Dẫn chúng tôi tham quan trang trại rộng gần 1,2 ha, được bố trí khoa học gồm 4 sào ao thả cá, 300 m2 chuồng trại nuôi gần 40 con bò các loại, 200 m2 bể, nhà nuôi giun quế và gần 100 m2 nhà kho chứa cỏ, rơm và các loại thức ăn cho bò và gần 6 sào trồng cỏ kết hợp trồng cây ăn quả, nuôi ngan, vịt, gà…

Mô hình sản xuất nấm hữu cơ.
Mô hình sản xuất nấm hữu cơ.

Ông Biện cho biết: Mỗi năm mô hình chăn nuôi bò theo hướng kinh tế tuần hoàn cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Điều đáng nói là mặc dù khu chuồng trại chăn nuôi nằm ngay sát nhà ở của gia đình nhưng không hề gây mùi, ô nhiễm không khí bởi toàn bộ nước thải được thu gom, xử lý bằng 3 bể biogas, chất thải rắn được thu gom làm nguyên liệu, thức ăn nuôi giun quế. Nguồn thức ăn chủ yếu của bò được tận dụng từ cám gạo, bã rượu, cỏ voi tự trồng, rơm rạ… Chất phát thải hàng ngày từ chăn nuôi bò được thu gom xử lý triệt để. Với 3 bể nuôi giun quế diện tích khoảng 150 m2 có thể xử lý được toàn bộ chất thải rắn từ đàn bò gần 40 con và đem lại sản lượng khoảng 5-7 kg giun quế mỗi ngày. Ngoài việc dùng để nấu cám cho bò ăn, nuôi vịt, gà, làm thức ăn nuôi khoảng 8.000 con cá trê ta, gia đình còn bán để làm thức ăn chăn nuôi cho một số hộ trong làng. Chất thải của giun quế có thể sử dụng để bón cho cây ăn quả, cỏ voi giúp cải tạo đất”.
Theo ông Trần Xuân Dẫn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh: Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp tuần hoàn

Tỉnh Bắc Ninh ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trong đó chú trọng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Nhờ đó, nhiều địa phương phát triển và mở rộng các mô hình nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn; nhiều tiến bộ kỹ thuật như khí sinh học, vi sinh, sử dụng côn trùng, trùn quế, ruồi lính đen, công nghệ ủ nhiệt sinh học… được áp dụng vào sản xuất. Điển hình như: Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ liên kết với tiêu thụ sản phẩm; mô hình sản xuất nấm; mô hình trồng cỏ kết hợp nuôi bò thịt, bò sinh sản tại các khu chăn nuôi tập trung, mô hình kinh tế tổng hợp nuôi bò, trồng cỏ (ngô, cây ăn quả), gia súc, gia cầm, cá; mô hình lúa, cá; mô hình nuôi cá “sông trong ao”; mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ sau thu hoạch ngay tại ruộng để làm phân bón hữu cơ cho sản xuất lúa vụ sau; mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi; mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng trong các trang trại…

Mô hình sản xuất hoa ở xã Việt Đoàn huyện Tiên Du.
Mô hình sản xuất hoa cao cấp trong nhà lưới ở xã Việt Đoàn huyện Tiên Du.

Hiện nay, việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn còn ở mức khiêm tốn, hiệu quả đạt được chưa cao, các mô hình tái chế và tận thu phụ phẩm trong nông nghiệp còn chưa phát triển nên chưa phát huy hết tiềm năng từ nguồn nguyên liệu phụ phẩm lớn trong ngành nông nghiệp, tình trạng ô nhiễm môi trường do các phụ phẩm nông nghiệp còn diễn ra ở nhiều nơi. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của người dân về nông nghiệp tuần hoàn còn hạn chế; ruộng đất manh mún, khó tích tụ; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; đặc biệt là còn thiếu các căn cứ pháp lý, cơ chế chính sách…

Kinh tế tuần hoàn đang là xu thế tất yếu, có thể áp dụng trong tất cả các lĩnh vực khác nhau. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn trước hết cần nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và nông dân, trong đó, nhấn mạnh vai trò của người sản xuất, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm hướng đến tư duy sản xuất có trách nhiệm, sử dụng tài nguyên hợp lý. Cùng với đó cần tạo động lực để các địa phương, doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn thông qua việc hỗ trợ vốn, công nghệ, tìm kiếm thị trường. Tiếp tục rà soát, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiêp tuần hoàn, khuyến khích tích tụ đất đai, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại… tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Bá Đoàn