Thực hiện Kế hoạch số 246/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm giai đoạn 2022 - 2025 (Chương trình OCOP), UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, hộ cá thể đăng ký các sản phẩm tham gia Chương trình. Qua đó, góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đợt 2/2024, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ của 28 sản phẩm đề nghị xét, công nhận đạt OCOP của 07 chủ thể, thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, nhóm thủ công mỹ nghệ gia dụng, trang trí. Trong đó, có 25 sản phẩm đánh giá lần đầu và 3 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao.
Tiêu biểu như các sản phẩm hành tím muối chua, cà dầm mắm, dưa chuột muối Agritec (Công ty CP Agritec, xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài); sản phẩm bông tắm xơ mướp, lót giày xơ mướp, miếng rửa bát xơ mướp (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ánh Dương Kinh Bắc, xã Nguyệt Đức, thị xã Thuận Thành); Trà bưởi gừng, gạo nảy mầm, dầu gội tỏi đen (Công ty TNHH Nano Care R&D, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình); nước uống dưỡng chất Kazen – Life, Curcumin UKOL (Công ty TNHH Dược liệu Fujiko Việt Nam, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh)…
Kết quả, 28/28 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xếp loại đạt 4 sao.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Lợi chúc mừng các chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2024. Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện hồ sơ, trình UBND tỉnh công nhận trong thời gian tới đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
Nhấn mạnh vai trò của Chương trình OCOP trong việc gìn giữ, phát triển các sản phẩm đặc trưng của các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các chủ thể sau khi được công nhận tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt, chú ý đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, số hóa sản phẩm để duy trì sản xuất, mở rộng quy mô, thị trường, được người tiêu dùng đón nhận, qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo thêm việc làm cho lao động ở địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tập huấn, tạo sức lan tỏa sâu rộng về Chương trình OCOP; rà soát, quản lý chặt chẽ các sản phẩm đã được công nhận. Cùng với đó, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngày càng nhiều có chủ thể đăng ký, tham gia Chương trình, hướng đến các sản phẩm đạt 4 sao và 5 sao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Việt Anh