Dự phiên họp có đồng chí Trần Thị Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành, địa phương.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh ý nghĩa phiên họp chuyên đề nhằm giải quyết hiệu quả các nội dung công việc của tỉnh, đảm bảo yêu cầu thực tiễn đặt ra. Ngoài các cơ quan quản lý Nhà nước, UBND tỉnh cũng mời lãnh đạo HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, MTTQ tỉnh nhằm tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung đảm bảo chặt chẽ, mang tính thống nhất cao.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đại biểu tích cực tham gia đóng góp ý kiến, trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng chính sách hiệu quả ngay từ quá trình đầu tiên. Giao Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp rà soát các nội dung đảm bảo thống nhất, đồng thuận về chuyên môn đáp ứng các yêu cầu về thủ tục pháp lý và phù hợp với thực tiễn.
Phiên họp tập trung thảo luận về dự thảo ban hành Nghị quyết quy định số lượng, chức danh; một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khu phố và người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của HĐND tỉnh, các địa phương đã tiến hành sắp xếp, bố trí, giải quyết chế độ, chính sách cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố, đảm bảo kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể ở cơ sở cơ bản đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống chính trị ở cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tuy nhiên, ngày 10/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố so với quy định tại Nghị quyết số 09 có nhiều điểm bất cập, đòi hỏi phải xây dựng Nghị quyết thay thế.
So với Nghị quyết số 09, dự thảo Nghị quyết mới đề xuất tăng số lượng, chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bổ sung phụ cấp, tăng mức khoán quỹ phụ cấp để chi trả hàng tháng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; sửa đổi mức khoán kinh phí, hỗ trợ kinh phí hoạt động của các tổ chức cấp xã…
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là Nghị quyết quan trọng có tác động lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã, cấp thôn và khu phố. Trong quá trình soạn thảo, Sở Nội vụ đã tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các Sở, ngành, địa phương và bổ sung nhiều điểm mới đáp ứng tinh thần của cử tri và ý kiến đóng góp trên các kênh thông tin; nội dung dự thảo Nghị quyết đã giải quyết được những điểm mấu chốt tồn tại trong quá trình triển khai Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tiếp tục tiếp thu tối đa các ý kiến mới trên tinh thần cầu thị để hoàn thành dự thảo, đảm bảo Nghị quyết khi ban hành đi vào thực tiễn, đáp ứng mong muốn của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đồng thời, vận dụng tối đa các quy định tại Nghị định số 33 của Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách.
Trong đó, cần quy định rõ chức danh cứng cấp thôn theo phân loại đơn vị hành chính; bổ sung chức danh Thôn đội trưởng vào đối tượng được hưởng phụ cấp; nghiên cứu phương án bố trí phụ cấp cho 03 chức danh: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, khu phố, Trưởng Ban công tác mặt trận hưởng theo trình độ đào tạo để tạo động lực nâng cao trình độ, trẻ hóa đội ngũ cán bộ cơ sở; đánh giá các tác động tổng thể khi nâng mức hỗ trợ hoạt động cho các thôn, khu phố.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổng hợp tình hình thiệt hại và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão số 3, ước tổng thiệt hại trên địa bàn khoảng hơn 1.488 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng khoảng 266 tỷ đồng, sản xuất nông nghiệp hơn 917 tỷ đồng, công nghiệp và công trình khác hơn 195 tỷ đồng, sự cố đê điều và công trình thủy lợi hơn 108 tỷ đồng…
Sau khi rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh hiện có, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người dân sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại với kinh phí dự kiến 38,62 tỷ đồng; hỗ trợ các đối tượng thiệt hại đã được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ 31,34 tỷ đồng và chưa được quy định là 7,28 tỷ đồng; chi trả lãi suất vay đối với các dự án vay bị thiệt hại; bố trí kinh phí khắc phục cây rừng, xử lý sự cố tạm thời trong thời gian xảy ra bão, lũ; bổ sung nguồn vốn vay cho người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh…
Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổng hợp rất nhanh và đề xuất phương án hỗ trợ hợp lý, kịp thời đối với các trường hợp bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành chức năng hoàn thiện nội dung báo cáo, trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét và thông qua kỳ họp HĐND tỉnh tới, qua đó, giúp người dân và doanh nghiệp có thêm nguồn lực để khôi phục sản xuất kinh doanh.
Phiên họp cũng xem xét, cho ý kiến vào các nội dung: Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; ủy quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT hạng III lên hạng II năm 2024; ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động đảm bảo chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh; quy định mức chi đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; quy định hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người có đất thu hồi trên địa bàn tỉnh…
Bá Đoàn