Đột phá trong thu hút đầu tư
Là địa phương đầu tiên quy hoạch các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, những năm qua, huyện Quế Võ đã tập trung đầu tư, quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp Quế Võ 1 mở rộng, Quế Võ 2, Quế Võ 3, các cụm công nghiệp và làng nghề. Việc làm này đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo ra lợi thế riêng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Với thế mạnh là địa phương có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, lực lượng lao động dồi dào, Quế Võ đã có bước đột phá trong lĩnh vực thu hút đầu tư; huy động tối đa các nguồn lực vào đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 4 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.000 ha, thu hút hàng trăm doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong đó, khu công nghiệp Quế Võ 1 mở rộng quy mô 618 ha (diện tích thuộc huyện Quế Võ mở rộng là 200,1 ha) đã đi vào hoạt động hiệu quả.
Khu công nghiệp Quế Võ 2 có quy mô 269,48 ha, đang đầu tư hạ tầng, đã thu hút trên 20 doanh nghiệp hoạt động. Khu công nghiệp Quế Võ 3 có quy mô 530 ha, đang đầu tư hạ tầng, đã có 5 doanh nghiệp hoạt động. Khu công nghiệp An Việt - Quế Võ 6 có quy mô 78,6 ha, đang lập quy hoạch chi tiết.
Ngoài các khu công nghiệp tập trung, Quế Võ hiện có 2 cụm công nghiệp là Cụm Châu Phong - Đức Long (diện tích trên 50 ha( và Cụm công nghiệp hỗ trợ Cách Bi (diện tích 72 ha).
Sự phát triển mở rộng của các khu công nghiệp trên địa bàn huyện đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế công nghiệp của Quế Võ. Cách đây 20 năm, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chỉ đạt 262 tỷ đồng. Năm 2020, giá trị này của Quế Võ đã đạt 45.227 tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của Quế Võ giai đoạn 2016-2020 đạt 13,1%. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt 38.268 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Công nghiệp đã trở thành ngành kinh tế chủ lực, chiếm 61,8% tổng giá trị các ngành kinh tế của địa phương. Việc phát triển về công nghiệp, tiểu công nghiệp, làng nghề ở Quế Võ đã có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào các ngành, lĩnh vực. Các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng tỷ trọng công nghiệp, giúp giải quyết việc làm, nâng cao kinh tế cho người dân, giảm sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Dù đạt được nhiều thành tựu, song sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Quế Võ vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: Sản xuất còn thiếu tính bền vững, quy mô hoạt động nhỏ, lẻ, chưa phát triển được ngành nghề mới, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp.
Theo ông Đặng Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Quế Võ, huyện đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển hành lang công nghiệp, dịch vụ, trở thành thị xã - đô thị vệ tinh của tỉnh Bắc Ninh, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành thung lũng điện tử của cả nước, phát triển công nghệ cao, ứng dụng vào sản xuất hàng hóa, linh kiện điện tử, hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp xanh, hài hòa với môi trường.
Hiện thức hóa mục tiêu trên, Quế Võ định hướng phát triển hành lang công nghiệp, phát triển các ngành nghề kinh tế chủ lực; tập trung vào các sản phẩm chủ yếu như linh kiện điện tử, cơ khí, phụ tùng máy bay liên quan đến điện tử; ưu tiên các sản phẩm có quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, mang lại giá trị cao, không thâm dụng đất đai và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tại huyện.
Huyện Quế Võ đã có những giải pháp cụ thể để phát triển công nghiệp, như đẩy mạnh việc thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các khu công nghiệp hiện hữu; đẩy mạnh phát triển đầu tư vào các khu công nghiệp, khu vực sản xuất công nghệ cao như khu công nghiệp Quế Võ II, III; thu hút vốn đầu tư lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài; tập trung thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thu hút công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ khu, cụm công nghiệp kèm theo.
Chủ tịch UBND huyện Quế Võ khẳng định, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Quế Võ luôn quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai, thủ tục hành chính, an ninh trật tự trên địa bàn huyện, đặc biệt tại các khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, huyện luôn hỗ trợ, khôi phục và quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống và các làng nghề hiện có, khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, HTX đáp ứng các nhu cầu tại chỗ đa dạng của chuỗi cung ứng tại huyện và định hướng đạt chất lượng xuất khẩu.
Tiền đề vững chắc đưa Quế Võ lên thị xã
Nhờ những nỗ lực, cố gắng của chính quyền các cấp và nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn, kinh tế của huyện Quế Võ có bước phát triển khá toàn diện. Công nghiệp hóa gắn với xây dựng Nông thôn mới tạo bước chuyển quan trọng, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tổng giá trị sản phẩm GRDP (giá so sánh năm 2010) tăng bình quân 5 năm đạt 11,5% (mục tiêu 9,5% - 10,5%); quy mô GRDP (giá hiện hành) tăng từ 8.252 tỷ đồng năm 2016 lên 14.162 tỷ đồng (năm 2020). Tổng giá trị tăng thêm bình quân người/năm đạt 3.041 USD vào năm 2020, gấp 1,43 lần so với năm 2016.
Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện (theo giá so sánh 2010) đạt 62.619,8 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1.532,2 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ; công nghiệp - xây dựng đạt 56.897,6 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ; dịch vụ đạt 4.190 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ.
Thành công lớn nhất của Quế Võ trong 5 năm qua là hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn Nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện đã đạt 148/190 tiêu chí (trong đó: xã Mộ Đạo cơ bản đạt 19/19 tiêu chí; xã Chi Lăng đạt 15/19 tiêu chí). Cùng với đó, huyện tích cực triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP). Gần đây nhất, Quế Võ đã được công nhận thêm 9 sản phẩm OCOP. Đặc biệt, làng nghề gốm Phù Lãng đã được tỉnh công nhận làng nghề truyền thống.
Toàn huyện đầu tư xây dựng 529 công trình hạ tầng Nông thôn mới, trị giá 2.487,7 tỷ đồng; đến hết năm 2018 số xã đạt chuẩn Nông thôn mới là 20/20, vượt mục tiêu Đại hội đề ra là 10 xã và về đích trước 2 năm.
Song hành với quá trình xây dựng Nông thôn mới, huyện tập trung quy hoạch dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Các sản phẩm được đăng ký thương hiệu như “Khoai tây Quế Võ”, “Gạo tẻ thơm”, “Gốm Phù Lãng”… tiếp tục được quan tâm quảng bá, giới thiệu và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Hoạt động thương mại, dịch vụ đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng xã hội, đẩy mạnh kết nối thương mại giữa thành thị với nông thôn, giữa huyện Quế Võ với các vùng lân cận. Các làng nghề truyền thống từng bước được đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất gắn với thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu sản phẩm.
Huyện đang triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng một số dự án và lập quy hoạch phát triển các Cụm công nghiệp. Thương mại, dịch vụ có bước tiến bộ, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm lưu thông hàng hoá phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Cùng với phát triển kinh tế, đô thị Phố Mới mở rộng (đô thị Quế Võ) đã đạt đô thị loại IV, tạo cơ sở, tiền đề vững chắc để đưa huyện Quế Võ trở thành thị xã vào cuối năm 2022 và trở thành Quận trong tương lai.
Huyện tập trung chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo; gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, thực hiện tốt các chính sách đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội… tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và từng bước nâng cao, An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.
Bá Đoàn