Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Campuchia đã phát hiện ca tử vong trên người do vi rút cúm gia cầm A/H5N1. Tại Bắc Ninh, thời gian qua, tình hình dịch bệnh động vật nói chung, bệnh cúm gia cầm nói riêng được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, thời tiết thay đổi, tạo thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn gia cầm; một bộ phận người chăn nuôi chưa chú trọng áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chưa chủ động vệ sinh, sát trùng phòng dịch. Vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh là rất cao.
Để chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh, gây ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố:
Tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh;
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã tăng cường cán bộ kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mua bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;
Tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm. Xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trên địa bàn, từ ngày 01/03 - 31/03/2023. Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất.
Trần Nguyên