Bắc Ninh luôn xác định phải thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa chống dịch để bảo vệ sự an toàn, sức khỏe nhân dân, vừa sản xuất để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã thực hiện hàng loạt biện pháp quyết liệt, sáng tạo, có tính đột phá để vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất và nhất là để chặn dịch từ cộng đồng vào các khu công nghiệp và ngược lại từ khu công nghiệp ra cộng đồng. Hiện nay, tình hình dịch ở Bắc Ninh cơ bản được khống chế song nguy cơ bùng phát vẫn còn, vì vậy, các biện pháp chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch của tỉnh sẽ tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả.
Đặc thù của tỉnh Bắc Ninh là mật độ dân số cao (gấp 5 lần trung bình cả nước), tập trung nhiều khu công nghiệp với khoảng 450.000 lao động đến từ 21 tỉnh, thành cả nước. Công nhân sống xen lẫn trong cộng đồng dân cư nên tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh lây lan từ cộng đồng vào khu công nghiệp và ngược lại.
Bắc Ninh đã huy động người dân tham gia Tổ Covid cộng đồng cùng 40 Tổ công tác giám sát tại các khu công nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, yêu cầu doanh nghiệp thiết lập QR code ở nhiều nơi trong nhà máy, cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại, thực hiện khai báo y tế và cung cấp thông tin của của toàn thể công nhân cho các cơ quan chức năng. Triển khai tiêm vaccine, trong đó, ưu tiên tiêm trước cho công nhân.
Ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, không phát sinh ổ dịch mới và các ca nhiễm ngoài cộng đồng, các cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành đánh giá, báo cáo ảnh hưởng của dịch bệnh với nền kinh tế, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp và hiệu quả khôi phục và phát triển kinh tế. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong tình hình mới.
Bắc Ninh đã chủ động xây dựng kịch bản để khôi phục kinh tế sau đại dịch, tập trung vào các giải pháp cụ thể: Duy trì, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, triển khai tiêm vaccine cộng đồng; thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dân nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng dịch bệnh.
Trong đó, quan tâm giải quyết những đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp bảo đảm kế hoạch sản xuất, hợp đồng đã ký kết… Thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Các Sở, ban, ngành cũng thực hiện cắt giảm thủ tục, thời gian tiếp nhận giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh địa phương nhằm tạo môi trường đầu tư thu hút cho các doanh nghiệp.
Tỉnh Bắc Ninh cũng đề xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chính sách hỗ trợ tập trung vào các đối tượng là F0, F1, F2 và công nhân ở trong khu vực phong tỏa theo Chỉ thị 16; hỗ trợ người lao động phải thuê nhà trọ, lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; người lao động bị tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương; người bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động đang đóng BHXH bắt buộc nghỉ để cách ly y tế; hỗ trợ người lao động hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc không lương.
Đối với doanh nghiệp, tỉnh cũng đề xuất hỗ trợ vay vốn 0% lãi suất để trả lương ngừng việc và trả lương cho người lao động; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Dự kiến vào đầu tháng 7/2021, tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2021 và Hội thảo cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo Kế hoạch, Hội thảo cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 4 điểm cầu (Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Hội nghị đối thoại doanh nghiệp dự kiến vào Quý III/2021, sẽ tổ chức 2 cuộc đối thoại (1 cuộc đối thoại với doanh nghiệp FDI và 1 cuộc đối thoại với các doanh nghiệp trong nước) theo hình thức trực tuyến. Đồng thời, tích cực giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp; công bố danh mục các dự án thu hút đầu tư trên các lĩnh vực.
Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuận lợi, ngày 15/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã ban hành Quyết định số 208/QĐ-BCĐ quy định tạm thời bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn, thời điểm bắt đầu áp dụng từ ngày 20/6. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động, chủ nhà trọ/ban quản lý ký túc xá/nơi lưu trú tập trung, các hộ kinh doanh, các đơn vị cung cấp dịch vụ, các ngành chức năng, chính quyền địa phương, trong từng khu vực, địa bàn thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 19, trạng thái bình thường và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Chuẩn bị các điều kiện để công nhân lao động đi làm tại các nhà máy được thuận tiện nhưng vẫn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và các địa phương phối hợp tiếp nhận, xử lý kiến nghị của các doanh nghiệp, nhất là liên quan đến người lao động và phương tiện giao thông đi qua các chốt/trạm kiểm soát dịch Covid-19 trên tinh thần hỗ trợ tối đa trong phạm vi cho phép. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể đối với các doanh nghiệp, người lao động, quản lý chặt chẽ việc đi làm, bố trí ăn ca, xét nghiệm cho công nhân, người lao động thuộc phạm vi quản lý.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho phép tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được phép hoạt động trở lại, trừ những doanh nghiệp có ca F0. Đặc biệt, cũng cho phép các doanh nghiệp được đón người lao động từ tỉnh, thành phố khác đến tỉnh làm việc (kể cả lao động đến từ tỉnh Bắc Giang) với điều kiện người lao động không phải là đối tượng cách ly y tế, không đến từ khu vực áp dụng Chỉ thị 16 và tuân thủ việc xét nghiệm.
Đối với những doanh nghiệp có nhu cầu cho người lao động đến nhà máy trong hệ thống, đối tác tại tỉnh, thành phố khác làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý cho công nhân di chuyển đến nơi làm việc mới, nhưng phải có sự đồng ý của cấp chính quyền nơi tiếp nhận người lao động từ tỉnh đó.
Từ những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo cho nên mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát và đang diễn biến vô cùng phức tạp song tỉnh Bắc Ninh vẫn quyết tâm và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,07%. Kinh tế vẫn tăng trưởng tốt, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 7,45% so với cùng kỳ; thu ngân sách Nhà nước tăng 7,5%; dự nợ tín dụng tăng 20,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,88%; xuất khẩu hàng hóa tăng 29,7%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 8,1%.
Bắc Ninh quyết tâm phấn đấu trong thời gian sớm nhất kiểm soát số ca F0 phát sinh ở các khu cách ly. Tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, đi liền với công tác kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; xác định mức độ nguy cơ của từng khu vực để triển khai phương án cho công nhân làm việc, sinh hoạt tại nhà máy theo đợt; bảo đảm các điều kiện để công nhân có thể ăn, ở, sinh hoạt tại nhà máy, bảo đảm an toàn sản xuất; bắt buộc công nhân trước khi vào nhà máy đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cả hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch; cố gắng bảo vệ vững chắc kết quả phòng chống dịch mà chúng ta vất vả mới có được như ngày hôm nay.
Song song với các biện pháp trên, Bắc Ninh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược vaccine. Đây được coi là giải pháp căn cơ nhằm bảo vệ thành quả chống dịch của Bắc Ninh.
Theo bacninh.gov.vn