Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh phấn đấu đến hết tháng 12/2022 đạt 90% và đến 31/01/2023 giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao đang là nhiệm vụ được tỉnh ưu tiên hàng đầu và tìm các giải pháp mang tính “đột phá” để triển khai thực hiện.

Năm 2022, tỉnh Bắc Ninh được Chính phủ giao hơn 7.218 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư công; HĐND tỉnh giao hơn 9.464 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 10/2022, toàn tỉnh giải ngân được 3784,6 tỷ đồng, đạt 52,19% kế hoạch. Như vậy, từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh còn phải thực hiện giải ngân gần 3.468 tỷ đồng (theo kế hoạch đầu tư công được các cấp tỉnh, huyện, xã phân bổ chi tiết đến từ dự án).

Cầu Phật Tích-Đại Đồng Thành đang được tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công.
Cầu Phật Tích-Đại Đồng Thành đang được tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối tháng 10/2022, trong số 34 chủ đầu tư cấp tỉnh, vẫn còn 22 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ chung toàn tỉnh. Cùng với đó, vẫn có tới hơn 30 công trình, dự án chưa giải ngân; 22 công trình, dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 20%. Tất cả các chủ đầu tư đều được tỉnh công khai, đích danh tới từng cơ quan, đơn vị.

Để xảy ra những dự án chưa bảo đảm tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với kế hoạch, ngoài các nguyên nhân khách quan như: Giá vật tư, vật liệu xây dựng, xăng, dầu biến động, khan hiếm; việc bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vẫn còn những nguyên nhân chủ quan, như: Các chủ đầu tư còn thiếu cụ thể, thiếu quyết liệt, tinh thần, trách nhiệm chưa cao trong công tác đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và giải ngân vốn cho các dự án; một số địa phương chưa quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng cho triển khai dự án. Năng lực của một số đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công còn hạn chế, chưa tập trung máy móc, nhân lực và thiết bị để thi công; tiến độ thẩm định hồ sơ của các dự án khởi công mới của một số cơ quan chuyên môn còn chậm...

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, từ tháng Chín vừa qua UBND tỉnh Bắc Ninh đã thành lập 3 Tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng trực tiếp làm việc với các ngành, địa phương, chủ đầu tư công trình sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn để rà soát, đánh giá chính xác những thuận lợi, khó khăn nhằm tìm ra “điểm nghẽn” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó có các giải pháp kịp thời, linh hoạt. 

Trong công tác GPMB thực hiện các dự án, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương phải tập trung nhanh và kịp thời hơn, để tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án. Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, cơ quan, đơn vị gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình làm các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đầu tư các dự án; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung đẩy nhanh việc thu hồi vốn tạm ứng, xử lý dự án hoàn thành chưa quyết toán theo đúng quy định. Qua rà soát, dự án nào chậm giải ngân thì sẽ điều chuyển vốn sang dự án khác.

Cùng với đó, nhiều giải pháp trước mắt được tỉnh và các ngành chức năng triển khai quyết liệt, như: Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung-cầu, điều hành bình ổn giá phù hợp; bảo đảm lưu thông hàng hóa, thúc đẩy thương mại, xuất, nhập khẩu bền vững... Đặc biệt, đối với vấn đề vật liệu xây dựng, UBND tỉnh Bắc Ninh giao các sở, ngành công bố giá vật liệu hằng tháng thay vì hằng quý như trước đây, làm cơ sở cho các dự án cần điều chỉnh hợp đồng do giá vật liệu, xăng, dầu tăng, giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu chủ động trong việc thi công các dự án, công trình… nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2026.

Bá Đoàn