Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Nguyễn Phương Bắc: Xác định tăng trưởng xanh là lựa chọn dài hạn để bảo đảm cân đối hài hòa mục tiêu giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính, với sự phát triển và quy mô ngày càng tăng của nền kinh tế. Tăng trưởng xanh phải là một quá trình chuyển biến về tư duy nhận thức, trong sản xuất, tiêu dùng và lối sống trong tư duy hoạch định chính sách.
Theo đó, giai đoạn 2023-2030 các giải pháp được Bắc Ninh đưa ra đó là: Xanh hóa sản xuất, thương mại, dịch vụ và tiêu dùng; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp theo định hướng kinh tế xanh. Định hướng này đang dần được cụ thể hóa những giải pháp chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo.
Để thực hiện mục tiêu đó, các sở, ngành, địa phương và cơ quan chuyên môn tiến hành xây dựng danh mục, xúc tiến, thu hút đầu tư ưu tiên theo định hướng tái cấu trúc kinh tế để đẩy nhanh quá trình phát triển theo mô hình kinh tế xanh. Thu hút đầu tư tư nhân đầu tư vào lĩnh vực phát triển xanh.
Liên kết khu vực FDI và khu vực trong nước, tăng số lượng các sản phẩm xanh. Quan tâm xúc tiến dự án đầu tư có tính thích ứng với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy chuyển đổi xanh. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng xanh, thúc đẩy vốn tín dụng ngân hàng vào các ngành sản xuất, tiêu dùng ít các-bon (theo Quyết định số 1124/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP của Chính phủ, trong đó quy định về tín dụng xanh, ngân hàng xanh nhằm thúc đẩy vốn tín dụng ngân hàng vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon). Yêu cầu doanh nghiệp cam kết thực hiện kinh doanh có trách nhiệm, có quy tắc về kinh tế xanh.
Rà soát, phân loại để có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo mức độ sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; khuyến khích thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, sử dụng năng lượng sạch/năng lượng tái tạo; nhất là trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ kiểm toán năng lượng, tư vấn về sử dụng, tiết kiệm hiệu quả năng lượng nhằm đánh giá lượng khí thải các-bon. Tận dụng cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp khi thực hiện các cam kết tuân thủ những tiêu chuẩn xanh, tập trung vào quản lý rủi ro và bảo vệ đầu ra của quá trình sản xuất. Triển khai các chương trình truyền thông xanh hóa tiêu dùng, triển khai các chương trình tiêu dùng xanh, nhãn sinh thái, thị trường các-bon; mua sắm, đầu tư công xanh.
Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình áp dụng chuyển đổi sang xu thế phát triển bền vững, trên cơ sở định hướng chiến lược tăng trưởng xanh với lộ trình phù hợp cần lồng ghép được vào chiến lược phát triển các ngành, địa phương để bảo đảm mục tiêu ngắn hạn lẫn dài hạn. Xây dựng chiến lược phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực và có sự phối hợp liên ngành.
Tập trung thu hút những ngành chế biến, chế tạo trong nhiều lĩnh vực điện tử, linh kiện. Bên cạnh đó là dịch vụ, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ phần mềm công nghệ thông tin. Cần có quy trình của doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp. Quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa để có chính sách phù hợp, hỗ trợ về nhận thức, quản trị để thực hiện chuyển đổi xanh…
Tuy nhiên cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và nâng cao vai trò của tư nhân với tăng trưởng xanh là điều vô cùng quan trọng. Bởi doanh nghiệp vừa là chủ thể, vừa là đối tác trong vấn đề nóng lên toàn cầu và ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên.
Để tăng trưởng xanh trở thành hiện thực, cùng với việc hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp theo hướng kinh tế xanh, cần hoàn thiện quy hoạch xây dựng KCN, khu đô thị theo hướng sinh thái với các quy mô đa dạng. Xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, áp dụng các công nghệ mới, các nguyên liệu thay thế, sản phẩm mới thân thiện với môi trường. Khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ cho xây dựng và sử dụng các công trình xây dựng xanh.
Hàng năm xác định số lượng công trình xanh trong các hoạt động đầu tư công, kết hợp với rà soát, điều chỉnh quy hoạch, thực hiện Chương trình phát triển đô thị, lập kế hoạch cải tạo đô thị theo tiêu chuẩn đô thị bền vững. Phát triển khoa học công nghệ, đào tạo lao động xanh, tăng cường các giải pháp quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, kiểm soát và khuyến khích sử dụng tiết kiệm năng lượng.
Khuyến khích sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới theo Quy hoạch điện VIII. Xây dựng kế hoạch hành động về sử dụng và phát triển tài nguyên đất, nước theo hướng tăng trưởng xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bá Đoàn