THCL Sau những nỗ lực tìm hiểu về chất lượng công trình, do Công ty Điện lực Hải Dương làm chủ đầu tư, đến nay, sau gần 4 tháng “đi tìm sự thật”, PV đã có được thông tin kết luận chính thức về chất lượng “yếu kém” của công trình. Câu hỏi được đặt ra: Liệu có sự “bắt tay” giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công nhằm rút ruột công trình?
Khẳng định chất lượng công trình không đạt yêu cầu
Ngày 11/11, PV đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Cường, GĐ Công ty Điện lực Hải Dương để khẳng định lại sự việc liên quan đến chất lượng công trình tại Dự án “Cải tạo và nâng cấp nhánh Liên Hòa A sau trung gian Kim Thành B lên cấp điện áp 35 kV” - do Công ty Điện lực Hải Dương làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ông Cường vẫn khẳng định đang thuê Trung tâm kiểm định chất lượng công trình xây dựng Hải Dương và chưa có kết quả, khi nào có sẽ thông báo gửi tới cơ quan báo chí để thông tin toàn thể bạn đọc được biết.
Nhưng sự thật những gì ông Cường đang muốn che đậy về chất lượng công trình bị rút ruột, đã bị Thương hiệu & Công luận “lật tẩy”. Tại báo cáo của Trung tâm Kiểm định đã đánh giá chất lượng bê tông móng cột của công trình (Cải taọ và nâng cấp nhánh liên hòa A sau trung gian Kim Thành B lên cấp điện áp 35 KV), địa điểm: xã Liên Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh hải Dương đã đưa ra kết luận; nhưng ông Cường đã cố tình “ém” kết quả nhằm đánh lạc hướng dư luận và né tránh trách nhiệm trong việc công trình bị rút ruột.
Trong buổi làm việc với báo chí, ông Cường không nhìn thẳng vào sự thật mà luôn cố tình né tránh. Theo báo cáo kiểm định đánh giá chất lượng bê tông móng cột của Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình Hải Dương thì, kết quả có từ ngày 12/9/2016. Không hiểu vì lý do gì mà ông Cường vẫn luôn khẳng định rằng chưa có và chờ…?
Biên bản nghiệm thu hiện trường giữa Điện lực Hải Dương và Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình Hải Dương
Kết luận của Trung tâm Kiểm định chất lượng đã chỉ rõ: Kích thước hình học của móng cột không đạt yêu cầu; độ sâu chôn móng không đạt yêu cầu; mác bê tông móng cột không đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn 239-2006. Với kết luận này, liệu rằng chất lượng công trình có được coi là “rút ruột” hay không, khi toàn bộ phần móng cột đều không đạt yêu cầu so với bản thiết kế?
Kết luận chất lượng công trình của Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng Hải Dương
Cần phải xử lý nghiêm
Theo một số chuyên gia xây dựng thì, chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, phải làm lại công trình là đương nhiên. Ở đây, chủ đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước giao cho nhà thầu không đảm bảo năng lực. Bên cạnh đó, cần phải xem giữa chủ đầu tư và nhà thầu có mối quan hệ “người nhà” hay không thì chủ đầu tư mới “nhắm mắt” ký vào công trình, không đảm bảo chất lượng đưa vào sử dụng như vậy? Bởi sự việc đổ cột trên đã lộ rõ chất lượng công trình, liên quan đến sự dẫn điện và mức độ nguy hiểm của đường dây đến người dân. Vì vậy, cần phải có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm, chứ không thể nhận lỗi và... cho qua!
Phần móng cột "mong manh" đã được phản ánh trước đó
Trao đổi với Luật sư Phạm Thị Thu, Công ty Luật số 1 Hà Nội xung quanh việc cột điện đổ do chất lượng công trình bị rút ruột, bà cho biết: “Về mặt luật pháp, việc nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng, thì người nghiệm thu công trình đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 229 - Bộ luật Hình sự năm 1993 (sửa đổi bổ sung năm 2009):
“Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm”.
Trong vụ việc này, vi phạm chính là sai phạm của việc nghiệm thu công trình, chủ đầu tư đã nghiệm thu công trình không đảm bảo chất lượng dẫn đến cột điện bị bật gốc khi vừa đưa vào sử dụng được hơn 3 tháng. Dẫn chiếu đến điều luật thì đã đáp ứng đủ yếu tố về mặt hành vi của tội phạm.
Để nghiệm thu một công trình đảm bảo chất lượng, sẽ cần phải có sự phối hợp của một số cơ quan, đơn vị, do vậy cần phải làm rõ hành vi của nhóm thực hiện kiểm tra chất lượng và thanh toán. Nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự đối với vụ việc này. Nghiệm thu công trình phải do người có thẩm quyền phê duyệt (người có chức vụ quyền hạn) nên trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm về hành vi và hậu quả, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 229.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
a) Là người có chức vụ, quyền hạn.
Những công trình xây dựng kém chất lượng, thậm chí bị hư hỏng nặng, bị sụp đổ… là do khâu nghiệm thu đã bỏ qua các vi phạm trong quá trình khảo sát, thiết kế, thi công nên đã không phát hiện được những lỗi sai phạm. Vi phạm các quy định về nghiệm thu công trình, không phải là hành vi trực tiếp gây ra những thiệt hại do hành vi vi phạm các quy định về xây dựng, mà là hành vi thiếu trách nhiệm trong khâu nghiệm thu nên để lọt những vi phạm trong xây dựng dẫn đến những thiệt hại cho xã hội hoặc phải xem xét có hay không việc cấu kết giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công nhằm rút ruột công trình.
Sau những tháng ngày “ròng rã” đi tìm sự thật liên quan đến chất lượng công trình, do Công ty Điện lực Hải Dương làm chủ đầu tư, đến nay, bạn đọc đã có câu trả lời thỏa đáng. Vậy ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc công trình kém chất lượng, vẫn đưa vào sử dụng? Liệu rằng, những công trình khác do Công ty Điện lực Hải Dương làm chủ đầu tư, chất lượng công trình liệu có tương tự Dự án Cải taọ và nâng cấp nhánh liên hòa A sau trung gian Kim Thành B lên cấp điện áp 35 KV không?.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!
Cao Huyền – Quang Nam