THCL Về chất lượng công trình của Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương (Điện lực Hải Dương) vẫn chưa được làm sáng tỏ thì mới đây, hàng loạt vấn đề liên quan đến tài chính của công ty này đã bị Cục Thuế Hải Dương bóc tách và truy thu hơn 1 tỷ 300 triệu đồng.
Thương hiệu & Công luận phản ánh loạt bài liên quan đến nghi vấn dàn thầu và chất lượng công trình do Công ty Điện lực Hải Dương làm chủ đầu tư. Sự việc chưa được làm sáng tỏ thì mới đây PV lại tiếp tục phát hiện thêm hàng loạt sai phạm liên quan đến tài chính từ năm 2009 đến năm 2012 - vừa bị Cục Thuế Hải Dương bóc tách và truy thu số tiền lên tới 1.309.640.347 đồng (một tỷ ba trăm linh chín triệu sáu trăm bốn mươi nghìn ba trăm bốn bảy đồng).
Theo Kết luận về việc thanh tra thuế tại Công ty Điện lực Hải Dương số 968/KL-CT ngày 31/3/2015 về việc thanh tra thuế tại Công ty Điện lực Hải Dương, do bà Phạm Thị Mai, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hải Dương ký, Đoàn thanh tra Cục Thuế tỉnh Hải Dương đã tiến hành thanh tra công tác thuế và phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến tài chính qua các thời kỳ kế toán trưởng (từ năm 2009 đến hết năm 2012) của công ty này.
Kết luận thanh tra của Cục Thuế Hải Dương tại Công ty Điện lực Hải Dương
Tại kết quả thanh tra (thời kỳ 2010, 2011, 2012 và thời kỳ có liên quan là năm 2009), do ông Lê Đức Đỉnh làm Kế toán trưởng, thay mặt Giám đốc, kiểm soát toàn bộ hoạt động thu - chi tài chính tại công ty. Tuy nhiên, không hiểu do “quên” hay “cố tình” mà ông Đỉnh đã bỏ qua một khoản thuế của một nhà thầu cung cấp thiết bị là Công ty TNHH Phát triển kinh tế TM Wandian An Huy (Công ty An Huy) cung cấp máy biến áp cho Công ty Điện lực Hải Dương, lên tới 499.779.330 đồng vào năm 2009? Sau đó, năm 2010, số tiền bị thu hồi và truy thu là 196.199.522 đồng; năm 2011, bị thu hồi và truy thu là 344.038.571 đồng. Tới năm 2012, bà Hà lên thay ông Đỉnh làm Kế toán trưởng, cũng làm thất thoát và bị truy thu số tiền 269.622.934 đồng.
Tổng số tiền các lần bị thu hồi và truy thu từ 2010 đến 2012 (còn khoảng 800 triệu đồng gây thất thoát), được Cục Thuế Hải Dương đã làm rõ: Do không kiểm soát được các hóa đơn vượt quá 20.000.000 đồng phải thanh toán qua ngân hàng, không hạch toán phân bổ hợp lệ được các khoản chi phí (học tập, tham quan...) của đơn vị, trong đó trực tiếp Kế toán trưởng là người kiểm soát. Kế toán trưởng không kiểm soát được các khoản thuế thu nhập cá nhân mà người lao đông phải nộp.
Đặc biệt, ngay sau khi có kết luận của Cục Thuế Hải Dương, số tiền được bóc tách và truy thu từ Công ty Điện lực Hải Dương là hơn 1 tỷ 300 triệu đồng.
Sự việc trên, có lẽ sẽ “chìm xuống” khi trong thời gian dài, không ai bị kỷ luật hay phải bồi thường số tiền bị cơ quan thuế thu hồi và truy thu. Chỉ sau khi cơ quan ngôn luận vào cuộc thì vụ việc mới được đưa ra ánh sáng. Theo đó, đến tận tháng 4/2015, số tiền phạt trên của Công ty Điện lực Hải Dương mới được chuyển vào ngân sách thuế của tỉnh.
Ngày 05/7/2016, tại Phòng Tài chính - Công ty Điện lực Hải Dương, có một người bỗng dưng tới nộp số tiền 499.779.330 đồng, nói là của Công ty An Huy mà ông Đỉnh đã “bỏ qua” không thu thuế (được biết Công ty An Huy đã dời khỏi Việt Nam và chuyển về Trung Quốc mấy năm rồi) (?). Lạ lùng hơn, trong phiếu thu, không hề có dấu của Công ty Điện lực Hải Dương? Bên cạnh đó, trên phiếu thu, có 2 vị phó phòng của Phòng Tài chính ký vào mục "người lập phiếu" là ông Phạm Thế Anh và mục "lãnh đạo phòng duyệt" là bà Nguyễn Thị Hòa (?!).
Vậy khoản tiền này có gì mờ ám mà 02 phó phòng ký vào một phiếu thu?
Công văn không số, phiếu thu không dấu của Công ty Điện lực Hải Dương?
Để làm rõ hơn những vấn đề trên, PV đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Cường, Giám đốc Công ty Điện lực Hải Dương.
Hỏi: Quan điểm của ông ra sao khi biết được số tiền "2 đời" kế toán trưởng làm thất thoát lên tới hàng tỷ đồng trong khoảng 3 năm và năng lực của họ có đáp ứng được hay không?
Ông Cường phân bua: “Do tôi không bổ nhiệm họ làm kế toán trưởng nên giờ đang phải giải quyết những sự việc đó…”.
Liên quan đến phần thuế của nhà thầu Công ty An Huy, ông Đỉnh làm thất thoát, ông Cường cho rằng: “Tôi thấy rất vô lý và sẽ phải làm việc lại với Cục Thuế. Trong hợp đồng có 2 phần, phần mua thiết bị thì Nhà nước cho miễn thuế nhập khấu, còn phần thi công, chỉ khoảng mấy tỷ. Lúc đó, họ có thuê một doanh nghiệp vận chuyển máy về đây và lắp ráp, nằm trong phần hợp đồng phụ, chứ không phải trong phần hợp đồng ký với Công ty An Huy. Tuy nhiên, quan điểm của phía Cục Thuế là phải tính tất cả, vì thế mới có khoản hơn 490 triệu đồng kia. Tuy nhiên, tôi cũng đã gửi công văn cho thu hồi rồi. Và khẳng định không bao giờ lấy tiền ngân sách ra để chi trả”.
Hỏi: Ông khẳng định không lấy tiền của Nhà nước. Vậy tiền đóng cho Cục Thuế ngay sau đó thì lấy đâu ra?
Ông Cường nói: “Hiện nay, bên phía cơ quan thuế với bên tôi có rất nhiều khoản liên quan. Trong đó, có khoản thuế GTGT, Cục Thuế cứ khấu trừ ở trong đó”.
Thắc mắc về việc số tiền phía Công ty An Huy mới được nộp vào Công ty Điện lực Hải Dương, ông Cường cho rằng: “Có người từ phía Công ty An Huy đến nộp tại Công ty Điện lực Hải Dương. Chúng tôi có phiếu thu, vì nghĩa vụ của họ phải hoàn trả lại số tiền trên nên không có hóa đơn”.
Ông Cường cũng cho biết, phía công ty đã nhiều lần gửi công văn sang cơ quan có thẩm quyền bên Trung Quốc, yêu cầu Công ty An Huy phải thu hồi số tiền trên và trả cho Công ty Điện lực Hải Dương.
Nhưng khi PV hỏi về việc "công văn không số, không có dấu công ty gửi sang Trung Quốc cho Công ty An Huy, lại hoàn toàn bằng tiếng Việt mà không phải tiếng Trung Quốc?", lúc này, ông Cường chỉ im lặng!
Liệu rằng, cách làm trên có phải để “chống chế” và đối phó dư luận của Công ty Điện lực Hải Dương? Công ty An Huy đã giải thể tại Việt Nam và chuyển trụ sở về Trung Quốc, với công văn không có ý nghĩa như thế mà vẫn có thể gửi đi, liệu phía Trung Quốc có hiểu được nội dung công văn khi viết hoàn toàn bằng Tiếng Việt? Hay ông Cường nghĩ rằng, cứ gửi công văn sang, phía bên đó phải có nghĩa vụ đi nhờ người phiên dịch để có thể hiểu được nội dung công văn đề cập tới vấn đề gì?...
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Công ty Điện lực Hải Dương
Tại Điều 9 - điểm b khoản 1 - Luật Thuế số 32/2013/QH13 quy định: Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, khoản tiền 1.309.640.000 là tiền bị cơ quan thuế thu hồi và truy thu thì trách nhiệm thuộc về ai?
Qua sự việc trên, thể hiện rõ năng lực của Kế toán trưởng - Công ty Điện lực Hải Dương bất cập tới đâu. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ số tiền hơn 1 tỷ 300 triệu đồng của Nhà nước đã bị cơ quan thuế thu hồi và truy thu: Ai sẽ là người phải trịu trách nhiệm cho việc làm “tắc trách” của Kế toán trưởng? Bên cạnh đó, cần làm rõ, ngày 05/7/2016, có một phiếu thu tiền mặt số 208 mà Phòng Tài chính - Công ty Điện lực Hải Dương đã thu của Công ty An Huy (nộp) số tiền mặt là 499.779.500 đồng, thực tế ra sao?
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Cao Huyền – Quang Nam