THCL  Mới đây, hàng loạt công tơ 3 pha tại 7 huyện, thành phố của tỉnh Hải Dương bị sai biểu thời gian dẫn tới tính sai tiền điện cho khách hàng. Trong khi chưa thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước, phía điện lực đã “âm thầm” xử lý, bất chấp những quy định của pháp luật?

Liên tiếp sai phạm?

Trước hàng loạt sai phạm, Thương hiệu & Công luận đã phản ánh liên quan đến chất lượng công trình bị rút ruột và tài chính đã được đăng tải đối với Công ty Điện lực Hải Dương; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết luận để trả lời bạn đọc?

Liệu rằng, đằng sau sự việc này, có bàn tay nào “bảo kê” mới khiến lãnh đạo Công ty Điện lực Hải Dương tự tin “thách thức dư luận” như báo đã nêu chi tiết tại bài 15 - Công ty Điện lực Hải Dương: Sự việc chậm xử lý, thách thức dư luận?

Cũng tại bài 15, có phản ánh về việc khách hàng của Công ty Điện lực Hải Dương có ý kiến tới cơ quan báo chí về việc tiền điện tại cơ sở kinh doanh của mình tăng đột biến, từ khi thay công tơ 3 pha mới vào tháng 7/2016 tới nay và họ không biết lý do vì sao?

Ngay sau khi bài báo đăng tải, khách hàng của Công ty Điện lực Hải Dương có gọi điện tới đường dây nóng Thương hiệu và Công luận, phản ánh về việc thấy người của bên điện lực xuống thay công tơ mới và cũng không nói lý do vì sao phải thay lại công tơ?

Một bạn đọc nói: "Người của Công ty Điện lực thay xong và gọi tôi ra để ký vào biên bản. Họ bảo "không vấn đề gì đâu, cứ ký vào đây là xong và đóng lại điện luôn thôi". Tôi cũng chỉ biết làm theo. Vì tâm lý chung của người dân chúng tôi, chỉ mong sao mau có điện lại để sản xuất, chứ đâu có dám đòi hỏi gì? Và theo như thông tin tôi đã đọc trên báo thì do họ lắp sai biểu thời gian của công tơ nên khách hàng phải chịu chênh lệch tiền tương đối cao. Nhưng không hiểu Công ty Điện lực Hải Dương sẽ tính sao với khách hàng chúng tôi đây?

PV đã có buổi làm việc với ông Vũ Huy Trung, Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm điện Hải Dương. Ông Trung cho biết: “Đúng là có việc lắp sai biểu thời gian tại 139 công tơ 3 pha cho khách hàng. Khi biết sự việc trên, chúng tôi đã có văn bản gửi Công ty Điện lực Hải Dương…”.

Sự việc đã được lãnh đạo Trung tâm Thí nghiệm điện Hải Dương khẳng định.

Theo tìm hiểu của PV thì, 139 công tơ 3 pha này đã chuyển đi 7 huyện, thành phố của tỉnh Hải Dương (thành phố Hải Dương, Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Kim Thành, Tứ Kỳ, Gia Lộc) để lắp cho khách hàng.

Tuy nhiên, tại Công văn số 238/CV-ETCHD  ngày 21/12/2016 của Trung tâm Thí nghiệm điện Hải Dương gửi Công ty Điện lực Hải Dương, nêu rõ: Công tơ điện tử nhiều biểu giá trực tiếp loại 3*5 (100) A-3x220/380V của Công ty CP Thiết bị công nghiệp Hữu Hồng với lỗi "đảo sai biểu thời gian giữa T2 (cao điểm) và T3 (thấp điểm), số lượng 139 công tơ”.

Bài 16- Công ty Điện lực Hải Dương : Khách hàng “kêu trời”! - Hình 1

CV chứng minh việc 139 công tơ bị lắp sai biểu thời gian đã được lắp cho khách hàng

Như vậy, Công ty điện lực Hải Dương đã sử dụng các công tơ lập trình sai biểu thời gian dẫn đến tính sai tiền điện trong hóa đơn cho khách hàng.

Đây là hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện, trong Nghị định số 137 của Chính phủ ngày 21/12/2013 “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sửa đổi” - được thể hiện tại Điểm c Khoản 1 Điều 13 Quy định các hành vi vi phạm của bên bán điện là “ghi sai chỉ số công tơ, tính sai tiền điện trong hoá đơn”.

Có sự “ngó lơ”?

Công ty Điện lực Hải Dương, khi biết sự cố công tơ 3 pha bị lỗi, nhưng đã lắp cho khách hàng; khi phát hiện sự việc đã có văn bản gửi báo cáo Sở Công thương tỉnh Hải Dương để nắm bắt tình hình theo đúng quy định pháp luật hay chưa?

PV đã liên hệ làm việc với Lãnh đạo Sở Công thương. Ông Mai Văn Hội, PGĐ Sở nói: “Tôi cũng không biết, Công ty Điện lực Hải Dương đã gửi hay chưa? Chúng tôi sẽ giao lại cho Phòng Quản lý năng lượng trả lời. Có gì, PV liên hệ với ông Thành, Trưởng phòng”.

Tiếp tục liên hệ với ông Lưu Văn Thành, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công thương), ông Thành khẳng định: “Đến nay, Sở không nhận được văn bản nào của Công ty Điện lực Hải Dương báo cáo sự việc trên. Chỉ biết việc 139 công tơ 3 pha bị lỗi đã lắp cho khách hàng thông qua báo nêu…”. 

Điều này đủ để thấy rằng, Công ty Điện lực Hải Dương thay công tơ lỗi do bên bán điện mà không thông báo với Sở Công Thương. Như vậy, có làm trái với Nghị định 137 của Chính phủ quy định không?

Tại quy định tại Điều 19 - Kiểm định thiết bị đo đếm điện bị khiếu nại, Nghị định 137 có nêu rõ:

“1. Sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương, có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định thiết bị đo đếm điện theo yêu cầu của bên mua điện theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 Luật Điện lực.

2. Tổ chức kiểm định độc lập, được sở công thương mời thực hiện việc kiểm định thiết bị đo đếm điện phải là tổ chức không có quyền và lợi ích liên quan đến các bên mua bán điện và trước đó chưa tham gia vào việc kiểm định thiết bị đo đếm điện đang bị khiếu nại".

Quy định đã nêu rõ, sử dụng các công tơ lập trình sai biểu thời gian dẫn đến tính sai tiền điện trong hóa đơn - là hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện. Theo đó, phải mời sở công thương và một đơn vị kiểm định độc lập mà trước đó chưa tham gia vào việc kiểm định hệ thống đo đếm để xác định số tiền phải truy thu hay thoái hoàn...

Được biết, theo quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BCT "Quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện":

1a. Giờ bình thường:

a, Gồm các ngày từ thứ hai đến thứ bẩy

- Từ 04 giờ 00 đến 09 giờ 30 (05 giờ và 30 phút)

- Từ 11 giờ 30 đến 17 giờ 00 ( 05 giờ và 30 phút)

- Từ 20 giờ 00 đến 22 giờ 00 ( 02 giờ)

b, Ngày chủ nhật

Từ 04 giờ 00 đến 22 giờ 00 ( 18 giờ)

2a. Giờ cao điểm:

a, Gồm các ngày từ thứ hai đến thứ bẩy

- Từ 09 giờ 30 đến 11 giờ 30 ( 02 giờ)

- Từ 17 giờ 00 đến 20 giờ 00 ( 03 giờ)

b, Ngày chủ nhật: không có giờ cao điểm)

3a. Giờ thấp điểm:

Tất cả các ngày trong tuần từ 22 giờ 00 đến 04 giờ 00 sáng ngày hôm sau (06 giờ).

Tại Quyết định số 2256/QĐ-BCT ngày 12/03/2015 của Bộ Công thương quy định về giá bán điện, theo đó giá bán điện bình quân giờ cao điểm chênh lệch so với giờ thấp điểm từ 2,8 - 3 lần. Như vậy, các công ty tiết kiệm chi phí cho công nhân làm đêm (giờ thấp điểm) mong phải trả tiền điện với giá thấp nhất thì lại phải trả giá cao “chót vót”!

Thiệt hại này, Công ty Điện lực Hải Dương sẽ căn cứ vào đâu để tính với khách hàng? Ngược lại, nhiều khách hàng không thể sử dụng vào giờ thấp điểm như khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn... thì lại được hưởng giá điện thấp, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước?

“Bất chấp” quy định?

Những phản ánh của nhiều khách hàng sử dụng điện, do Công ty Điện lực Hải Dương bán ra, có ý kiến bất bình, nhưng không dám công khai lên tiếng vì lo sợ bị ảnh hưởng khi đang sản xuất lại bị cúp điện, họ chỉ biết thông tin tới cơ quan báo chí.

Để tận mắt chứng kiến những gì bạn đọc phản ánh, sáng ngày 13/1/2017, PV đã có mặt tại thành phố Hải Dương, ghi nhận việc thay công tơ 3 pha của cán bộ điện lực. Việc thay công tơ 3 pha có một tổ, gồm 4 người của điện lực, họ tháo dỡ và thay công tơ mới lên. Nhưng khi công tơ cũ được tháo xuống, một cán bộ điện lực có gọi bên khách hàng cho người ra ký biên bản để đóng điện lại. Một người đàn ông đại diện khách hàng ra ký, lên tiếng: “Công tơ vừa mới thay được mấy tháng, sao lại phải thay?”.

Ngay lúc đó, một người ghi biên bản của bên điện lực nói: “Cứ ký vào đây, không sao đâu! Xong là có điện luôn đấy…”.

Điều này, đủ để thấy phía khách hàng không hề biết đến việc công tơ 3 pha mà Công ty Điện lực Hải Dương lắp bị lỗi và gây thiệt hại cho họ như thế nào?

Bài 16- Công ty Điện lực Hải Dương : Khách hàng “kêu trời”! - Hình 2

Bài 16- Công ty Điện lực Hải Dương : Khách hàng “kêu trời”! - Hình 3

Nhân viên Công ty Điện lực hải Dương đang thay công tơ bị lỗi mà không có mặt của một đơn vị quản lý nào?

 Một người của điện lực gọi điện thoại cho ai đó phía đầu bên kia, báo cáo tình hình bên phía khách hàng này đã xong và cắt điện tiếp một khách hàng tiếp theo khi họ đến.

Chúng tôi tiếp tục theo chân tổ công tác của điện lực, nhưng lần này không trực tiếp xuất hiện, mà đứng cách đó khoảng vài mét quan sát và cũng chỉ thấy những người của điện lực vào tháo dỡ công tơ, sau khi xong mới thấy đại diện khách hàng xuất hiện ký vào biên bản.

Chờ cho tổ công tác của điện lực đi khỏi, PV đã vào nơi công tơ vừa được thay thế và trao đổi với khách hàng đã sử dụng công tơ lỗi đó. PV hỏi: Công tơ của đơn vị anh được lắp mới lâu chưa? Khách hàng liền nói: “Mới lắp hồi tháng 07/2016 thôi!”.

Vậy tại sao vừa mới lắp xong vài tháng, lại vội thay mới?

Người khách hàng cho biết: “Đầu tháng 01/2017, họ đi chốt công tơ thì công tơ đen ngòm không hoạt động nên hôm nay chắc họ đến thay”.

Lại hỏi: Trước khi thay công tơ, họ có báo cho anh biết việc công tơ của mình bị lỗi gì nữa không?

Người khách hàng này nói luôn: “Không! Chắc vì bị hỏng nên họ thay thôi”.

Qua những gì PV chứng kiến và ghi nhận, có thể thấy được không những khách hàng không biết việc Công ty Điện lực Hải Dương đã tính “khống” cho khách hàng và bây giờ, công ty sẽ tính toán với khách hàng ra sao?

Bên cạnh đó, việc công tơ 3 pha mới lắp hồi tháng 7 đều bị lỗi, nay lại bị hỏng không thể chốt được số điện năng tiêu thụ với khách hàng. Vậy thi, Công ty Điện lực Hải Dương dựa vào đâu để tính toán cho đúng mà khách hàng không bị thiệt, không bị thất thu ngân sách?

Tại “Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh: “Đây là năm thứ ba, EVN hứa với người dân là không để thiếu điện. EVN cũng đóng góp trực tiếp vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp”.

Nhưng với sự việc đang xảy ra tại Công ty Điện lực Hải Dương, làm ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, liệu rằng, có còn xứng đáng với lời khen của Thủ tướng đối với ngành điện hay không?

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

                                                                             Cao Huyền – Quang Nam