LTS: Là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Thương hiệu và Công luận đăng tải loạt bài viết này mới mục đích tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và công tác quản lý, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận kinh tế của các cơ quan chức năng TP. HCM tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân; Bảo vệ thương hiệu cho các đơn vị kinh doanh, buôn bán đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; Lên án hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế phát sinh những hệ lụy không đáng có cho người dân địa phương và xã hội… |
Muốn biết thông tin về sản phẩm, phải sử dụng phần mềm dịch tiếng nước ngoài
Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên Thương hiệu và Công luận, dọc đường Nguyễn Thông, phường 9, quận 3, TP. HCM là hàng loạt các cửa hàng kinh doanh, buôn bán sữa, đồ hộp với nhiều mẫu mã, chủng loại. Từ sữa sản xuất tại Việt Nam, cho đến các loại sữa nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo một người buôn bán tại đây cho biết, “Đây được mệnh danh là tuyến phố chuyên bán sữa và đồ hộp, tuyến phố này đã tồn tại từ lâu rồi…”.
Vậy, chất lượng sữa và đồ hộp đang được bày bán tại đây như thế nào? “Mục sở thị” tại cửa hàng sữa hộp Nguyễn Mười (số 01 Nguyễn Thông, phường 9, quận 3), phóng viên được nhân viên bán hàng tại đây tư vấn và đưa ra một số loại sữa nhập khẩu mang tên Meiji với giá 520 nghìn đồng 1 hộp, một số loại sữa của thương hiệu Morinaga: Morinaga Matcha, Morinaga Milk Tea… với giá 240 nghìn đồng 1 hộp. Tuy nhiên, trên những hộp sữa này hoàn toàn là chữ nước ngoài, hoàn toàn không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt theo đúng quy định.
Thêm vào đó, khi quét mã QR in trên bao bì sản phầm thì không có bất cứ thông tin nào về sản phẩm đang được bày bán tại đây. Khi được thắc mắc, thì nhân viên bán hàng tại đây cho hay: “Sữa nhập Nhật Bản đó anh, không có tiếng Việt đâu. Nếu anh muốn đọc được chữ in trên sản phẩm, thì có thể sử dụng phần mềm dịch tiếng nước ngoài ở trên điện thoại”.
Tương tự, tại cửa hàng Thanh Uyên 55 Bis A, Nguyễn Thông cũng bày bán hàng trăm sản phẩm sữa hộp, từ các loại sữa sản xuất trong nước cho đến các loại sữa nhập khẩu từ nước ngoài như: Mỹ, Nhật Bản..... Giá của những sản phẩm này giao động từ vài trăm đến vài triệu đồng.
Tuy nhiên, nhiều sản phẩm sữa hộp nhập khẩu như: Meiji, Morinaga, Entrust Milk… cũng không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, check mã QR cũng không có bất cứ thông tin nào của sản phẩm. Người bán hàng cho hay: “Sữa em nhập của người đi giao sữa vãng lai, nên cũng không rõ lắm. Chỉ biết người ta nói là sữa nhập vậy thôi”.
Đáng chú ý, cả hai cửa hàng kinh doanh sữa, đồ hộp trên tuyến đường Nguyễn Thông đều không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của một số loại sữa mình đang bán. Đặc biệt, tuyến đường Nguyễn Thông cách trụ sở Cục Quản lý thị trường TP. HCM (242 đường Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. HCM) chưa đến 1km, thế nhưng, hoạt động mua bán nêu trên vẫn diễn ra hàng ngày, mà không thấy cán bộ của Cục Quản lý thị trường TP. HCM kiểm tra, xử lý theo đúng quy định.
“Hàng bên em là hàng “bay”, rẻ hơn những loại sữa nhập khẩu chính ngạch”
Rời khỏi tuyến đường Nguyễn Thông, phóng viên ghé vào cửa hàng “Đồ sơ sinh Ếch Cốm” (số 164 Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh). Tại đây, phóng viên được nhân viên giới thiệu các sản phẩm sữa nhậu khẩu Mỹ, Nhật Bản… dành cho trẻ em như: Meiji dành cho trẻ 1 đến 3 tuổi, và sữa Meiji dành cho trẻ dưới 1 tuổi: Enfagrow Premium, Horizon Organic… Theo quan sát, giá của những sản phẩm này dao động từ 400.000 đồng đến hàng triệu đồng.
Khi thắc mắc, tại sao các sản phẩm sữa nhập khẩu này lại không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt, thì người bán cho biết: “Hàng bên em là hàng “bay”, (ví dụ: Khi anh đi máy bay thì sẽ đánh theo kiện hàng mang về Việt Nam - PV), những sản phẩm này sẽ rẻ hơn những loại sữa nhập khẩu chính ngạch”.
Thấy phóng viên vẫn còn hoài nghi về chất lượng của sản phẩm, thì nhân viên này cho biết thêm: “Bên em đã có 11 cơ sở ở miền Bắc rồi, đây là cơ sở duy nhất ở miền Nam, nên anh cứ yên tâm mua sản phẩm về sử dụng”.
Ngoài ra, theo quan sát của phóng viên, cửa hàng “Đồ sơ sinh Ếch Cốm” này cũng bày bán một số thực phẩm nhập khẩu dành cho trẻ em, nhưng lại không hề có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt theo đúng quy định. Được biết, chuỗi cửa hàng “Đồ sơ sinh Ếch Cốm” có nhiều cơ sở tại Hà Nội cũng như một số tỉnh thành khu vực phía Bắc như: Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương.
Thực trạng là vậy, nhưng trong thời gian phóng viên khảo sát tại các cửa hàng này, dù lượng người ra vào hỏi, mua các sản phẩm sữa nhập ngoại khá đông. Nhưng không hề nhận thấy bất cứ động thái kiểm tra, giám sát nào của lực lượng chức năng.
Sử dụng sữa giả, sữa kém chất lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng
Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng thì, sữa giả, sữa kém chất lượng mang đến những hiểm họa khôn lường cho sức khỏe. Nhẹ thì đau bụng, buồn nôn, nặng hơn là tiêu chảy, ngộ độc và thậm chí có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người sử dụng, nhất là đối với trẻ nhỏ. Bởi, cơ thể còn non yếu và sức để kháng kém.
Cụ thể, dị ứng, tiêu chảy: Hệ tiêu hóa của trẻ con non nớt nên các thành phần của sữa phải phù hợp để trẻ có thể hấp thụ và tiêu hóa được. Tuy nhiên, sữa giả chứa rất nhiều hóa chất độc hại, những loại chất rẻ tiền không rõ nguồn gốc nên rất dễ gây dị ứng.
Các triệu chứng dị ứng như: khô họng, phát ban, chảy nước mũi, buồn nôn, khó thở, tiêu chảy... sau khi uống sữa giả. Khi đó, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Gây suy dinh dưỡng: Các cha mẹ cho con uống thêm sữa ngoài để ngoài bổ sung các chất dinh dưỡng giúp bé mập mạp và khỏe mạnh hơn. Đó là nếu trẻ nhỏ được uống sữa “chính hãng”. Trẻ uống những loại sữa này nếu không mắc bệnh thì sẽ bị suy dinh dưỡng vì không được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết mà còn chịu ảnh hưởng xấu của các chất độc hại.
Cũng theo các chuyên gia nhận định: Trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng sữa thuộc về những cơ quan chuyên ngành thuộc Ban chỉ đạo 389 TP. HCM, mà trách nhiệm đầu tiên thuộc về Cục Quản lý thị trường. Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh tràn lan sữa giả, sữa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các lực lượng chức năng cần tăng cường giám sát, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh sữa, xử lý các hành vi buôn bán hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân khi lựa chọn các mặt hàng thực phẩm chức năng trên thị trường.
Khi mua sữa nhập ngoại, người tiêu dùng nên đề nghị cửa hàng cung cấp giấy phép để biết sản phẩm có thực sự là hàng chính ngạch được cấp phép không, hoặc đề nghị cửa hàng xuất hóa đơn giá trị gia tăng, chứng minh nguồn gốc đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Nhất là, với mặt hàng sữa, cha mẹ cần mua ở địa chỉ uy tín, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng để chọn được sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn sức khỏe cho con em mình.
Quy định về nhãn hàng hóa Ngày 09 tháng 12 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa. Theo đó Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa như sau: 1. Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: a) Tên hàng hóa; b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; c) Xuất xứ hàng hóa. Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này; d) Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan. Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này. Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị xử phạt như thế nào? Người kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sẽ bị xử lý hành chính theo quy định; tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP “Điều 17. Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng: a) Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa; b) Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa; c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. 2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng. 3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng. 4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng. 5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng; đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều; này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng. 6. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng. 7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng; đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng. 8. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng. 9. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng. 10. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều; này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng. 11. Phạt tiền từ 40.000 000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên. 12. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều này đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; b) Là chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản; c) Hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. |
Thương hiệu và Công luận tiếp tục thông tin đến bạn đọc về thực trạng các loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc… có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật đang được công khai bán ra thị trường tại TP. HCM ở các bài tiếp theo.
Nguyễn Tùng – Nguyễn Trung