THCL Không ít thương hiệu có tiếng trên thị trường đang sử dụng đậu nành để chế biến cà phê, nhưng không công bố liều lượng cụ thể trên bao bì sản phẩm. Người tiêu dùng không biết mình đang uống gì, cà phê nguyên chất hay cà phê giả?
Những quầy cà phê vỉa hè, cà phê cóc mọc lên nhan nhản
Chưa có quy chuẩn
Việt Nam được xem là cường quốc sản xuất cà phê - đứng hthứ 2 trên thể giới. Tuy nhiên, ngay tại xứ sở trồng cà phê, nhưng khái niệm cà phê nguyên chất 100% được làm từ hạt cà phê lại không hề tồn tại như nhiều người vẫn nghĩ.
Thực tế, người tiêu dùng vẫn khó biết được đâu là cà phê sạch, cà phê nguyên chất. Họ chỉ uống theo thói quen mà không hề biết thứ mình uống là gì.
Điều đáng nói, dù là đất nước nổi tiếng về xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đồng thời thị trường trong nước cũng rất sôi nổi và sở hữu một lượng người tiêu dùng nội địa đông đảo, nhưng đến nay, chúng ta chưa hề có một hệ quy chuẩn quốc gia nào để đo lường và đánh giá chất lượng của cà phê Việt.
Việc quản lý chất lượng cà phê nói chung và nước cà phê pha uống ngay dựa theo: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật An toàn thực phẩm. Theo thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT, việc quản lý chất lượng cà phê và nước chiết cà phê uống ngay, được giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Như vậy, cơ sở để quản lý chất lượng cà phê là các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, song hiện nay, hệ thống các văn bản này đang trong giai đoạn bổ sung hoàn chỉnh và chưa có quy định cụ thể nào liên quan đến nước chiết cà phê uống ngay.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam vẫn chưa có quy chuẩn quốc gia cho sản phẩm cà phê. Do khi xây dựng quy chuẩn quốc gia cho mặt hàng này, các tiêu chuẩn dựa vào Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm (Codex) của LHQ, nhưng Codex lại không có quy chuẩn cho cà phê. Do vậy, Bộ Y tế đành tham khảo bộ quy chuẩn cho sản phẩm cà phê của Thái Lan, nhưng có một số vấn đề chưa thống nhất nên đến nay chưa thể đưa ra bộ quy chuẩn.
Giải pháp nào?
Vấn đề cà phê bẩn, cà phê trộn đã được phát hiện qua các phóng sự điều tra của nhiều cơ quan báo chí, phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng từ lâu; các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần bắt được các vụ vi phạm với quy mô lớn.
Về nguyên tắc, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê đều phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn thực phẩm, trang bị kỹ thuật, con người để đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn. Trong quá trình sản xuất, các cơ sở này cũng phải chịu kiểm tra việc tuân thủ từ phía các cơ quan chức năng.
Song hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể về công khai thành phần cà phê bột, chỉ công bố về hàm lượng cafein và một số chỉ tiêu độ ẩm... Vì thế, cán bộ kiểm tra rất khó có căn cứ xác định thành phần trên có tỷ lệ bao nhiêu, có hay không ảnh hưởng đến người tiêu dùng?
Điều đáng nói, đến giờ phút này, nhiều người dân đang bị bịt mắt, uống cà phê bẩn hàng ngày nhưng dường như vấn đề này vẫn chưa được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền, cũng như chưa có hướng khắc phục một cách hệ thống và hiệu quả.
Phải chăng, vì chưa có quy chuẩn và cũng không cấm dùng bắp, đậu nành… trộn với cà phê nên các DN, dù công bố có thành phần bột đậu nành trong đó, nhưng không DN nào công bố chi tiết tỷ lệ?
Thiết nghĩ, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần sớm bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định tiêu chuẩn cà phê, ngăn ngừa việc thiếu minh bạch, gian lận trong sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê.
Hiền Anh