Bài 1: Cà phê bình dân kém chất lượng (TP. HCM): Tràn ngập đường phố
Bài 2: Người tiêu dùng đang uống cà phê hay uống gì?
Bài 3: Thói quen của NTD đang “tiếp tay” cho cà phê bẩn
THCL Đánh vào tâm ly của người tiêu dùng thích những thứ gọi là nguyên chất, an toàn, nhiều cơ sở, cửa hàng sản xuất và kinh doanh cà phê tự gắn mác “nguyên chất” để dễ bán. Tuy nhiên “nguyên chất” đến đâu thì chỉ có… “trời” mới biết được.
NTD vẫn thản nhiên thưởng thức ly cà phê quen gọi là… “nguyên chất”?
Cà phê nguyên chất… “tự phong”
Quanh ngã tư, đường phố hay trong những con hẻm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, không khó để bắt gặp cảnh các quán cà phê từ sang trọng cho đến quán vỉa hè, luôn đông đúc khách.
Chỉ cách mặt tiền đường D2 chừng vài bước, với bán kính chừng 100 m, cũng có ít nhất 8 điểm bán cà phê phục vụ khách trong xóm và khu vực, đó là chưa kể hàng chục tiệm cà phê “mang đi”, “mang về”, phục vụ tại chỗ, cà phê bóng đá, cà phê “Internet”, cà phê giải khát... bao quanh khu phố.
Chỉ cần dăm ba bộ bàn ghế, vài cái dù che nắng che mưa là có ngay một tiệm cà phê “cóc” kiếm sống qua ngày. Thậm chí, với một chiếc xe máy, xe đạp rồi pha sẵn cà phê trong ly hay chai nhựa chạy quanh khu phố, công trình xây dựng, trường học... là cũng có khách đều đều.
Tại một đoạn phố nhỏ thuộc quận 9, có đến gần chục quán cà phê to nhỏ mọc lên. Khi hỏi anh T., chủ một quán cà phê trên đường này rằng “thường nhập cà phê của ai về pha chế cho khách?”, anh bảo: “Lấy của một mối quen ngoài Vũng Tàu. Khách hàng chủ yếu là bình dân nên giá phải thật rẻ, chứ không thể bán đắt được. Mối cà phê cũng là được người quen giới thiệu, bán giá rẻ thì chỉ có cà phê trộn thôi. Bán bao lâu chưa thấy khách nào chê nên cứ bán thôi”.
Anh Khoa, chủ một quán cà phê ở đường Trần Não (quận 2) khẳng định: “Sẽ không thể có một cốc cà phê vừa sạch vừa rẻ, trừ khi bạn mua một cốc cà phê được pha từ những gói cà phê của một số hãng cà phê uy tín. Còn một khi đã kinh doanh thực sự nghiêm túc thì sẽ không có cốc cà phê giá rẻ cho bạn uống”.
Vậy giá thành thực của một cốc cà phê sạch - nguyên chất là bao nhiêu?
Chất lượng thật hay rởm?
Thực tế, điều mà các chủ quán cà phê vỉa hè, cà phê dạo quan tâm hiệu quả kinh doanh đó là mỗi ngày bán được bao nhiêu ly cà phê, còn nguồn gốc xuất xứ cà phê dường như họ chẳng mấy quan tâm. Nếu có, họ cũng không mặn mà vì sự hiểu biết cà phê của hầu hết người bán là con số “0”, có người không biết đâu là cà phê thật, đâu là cà phê giả. Thậm chí, chính những người bán cũng chẳng dám uống thứ cà phê mà họ đang bán, vì thế, việc chủ tiệm nắm được các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm là quá khó.
Ngay cả một vài nơi bán hạt cà phê rang sẵn, bản thân người đứng bán hàng cũng không biết loại gì ra loại gì để giúp khách hàng pha trộn các loại cà phê với nhau để có một ly cà phê ngon, hài hòa nhằm hy vọng lần sau khách mua quay lại.
Trong khi đó, theo khảo sát trên thị trường hiện nay, 1 kg cà phê nhân nguyên chất đã có giá 50.000 - 60.000 đồng. Sau khi rang xay chỉ còn lại 700g cà phê bột, cộng thêm chi phí sản xuất, đóng gói, nhân công, vận chuyển thì giá 1 kg cà phê thành phẩm, muốn bán có lời phải đội lên ít nhất gấp 3 lần. Như vậy, 1 kg cà phê được quảng cáo là nguyên chất 100%, chỉ có giá trên dưới 60.000 đồng. Với giá thành thấp như thế, liệu trong đó có bao nhiêu phần trăm là cà phê sạch?
Thực tế, chúng ta mới chỉ bàn tới giá thành để có thể bán một cốc cà phê nguyên chất, còn cách pha chế tỷ lệ các nguyên liệu và hương liệu khác trong những ly cà phê đen đặc thì không thể lường hết được. Trong khi đó, Việt Nam được xem là một nước sản xuất và xuất khẩu cà phê nguyên liệu đứng thứ 2 thế giới, nhưng vì lợi nhuận, nhiều gian thương đang kinh doanh cà phê giả trong “ma trận” thị trường cà phê Việt hiện nay.
Cà phê bẩn, cà phê giả, cà phê trộn đang cạnh tranh với cà phê thật. Điều này có thể thấy từ các vụ thanh tra về cà phê như báo chí đăng tin, hãng xưởng không bảo đảm vệ sinh, phụ gia, chất trộn như đậu nành, bắp nhiều hơn cà phê.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc và người dân nên chuẩn bị những kiến thức tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình mình.
Tại buổi Tọa đàm “Cà phê bẩn - thực trạng và giải pháp” tổ chức hồi tháng 7/2016, ông Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng phòng Kiểm soát chất lượng hàng hóa - Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã nêu: Vấn đề nhức nhối nhất hiện nay đó là việc sử dụng hóa chất hay phụ gia trái phép trong sản xuất cà phê. Các đối tượng này thường sử dụng các loại hóa chất có giá rẻ, hóa chất không được phép sử dụng, chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. |
Trung Dũng