Bài 1- Hợp đồng chưa ký, chưa trả tiền vẫn được tòa tuyên cho bồi thường?

Bài 2- Nộp phí bảo hiểm sau khi cháy xưởng vẫn được bồi thường: Viện – Tòa quan điểm trái ngược nhau

Bài 3- Viện – Tòa trái quan điểm: Nguy cơ mất hàng chục tỷ đồng của nhà nước

Bài 4- Viện – Tòa trái quan điểm: Nhận định gây nhiều tranh cãi của bản án phúc thẩm

 Bài 5- Vụ bảo hiểm PJICO: Văn phòng Chung Kuo hoạt động chui, liệu giao kết hợp đồng có giá trị? - Hình 1

 Hợp đồng chưa ký, tòa vẫn yêu cầu bồi thường

Khoác áo cho Chung Kuo, không vừa

Theo hồ sơ vụ án, ngày 26/12/2011, PJICO gửi hợp đồng bảo hiểm cháy nổ với công ty Huada, thông qua văn phòng Chung Kuo.

Ngày 12/1/2012, xảy ra hỏa hoạn tại nhà máy của Công ty Huada, (KCN Tam Phước, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Sau đó 1 ngày, qua kiểm tra thì hợp đồng bảo hiểm vẫn chưa được Huada Furnire ký và đóng dấu xác nhận.

Ngày 16/1/2012, công ty Huada tự ý chuyển khoản tiền phí bảo hiểm vào tài khoản cho PJICO. Tiếp đó, Huada chuyển trả lại cho phía PJICO hợp đồng bảo hiểm được ký kết và đóng dấu.

Do PJICO từ chối bồi thường bảo hiểm nên công ty Huada khởi kiện ra Tòa án nhân dân TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Bản án sơ thẩm cho rằng việc công ty Huada ký và đóng phí bảo hiểm sau ngày phát sinh sự kiện cháy nổ chỉ nhằm hợp thức hóa việc đòi bồi thường. Do vậy, hội đồng xét xử sơ thẩm không chấp nhận đơn khởi kiện.

Bài 5- Vụ bảo hiểm PJICO: Văn phòng Chung Kuo hoạt động chui, liệu giao kết hợp đồng có giá trị? - Hình 2

Công văn trả lời của Ban quản lý các Khu công nghiệp

Nhưng bản án phúc thẩm ngày 2/2/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai lại có kết quả trái ngược, cho rằng văn phòng Chung Kuo là tổ chức môi giới bảo hiểm. Công ty Huada thông qua văn phòng này giao dịch với PJICO là đề nghị giao kết hợp đồng.

Do vậy, PJICO gửi hợp đồng bảo hiểm là bằng chứng đã đồng ý giao kết. Nên Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai quyết định sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu nguyên đơn, buộc PJICO bồi thường tổng số tiền gần 58 tỷ đồng.

Trong khi, theo lời khai tại tòa thì đại diện văn phòng Chung Kuo thừa nhận, họ chỉ hỗ trợ dịch và chuyển tài liệu. Đồng thời thừa nhận không phải là tổ chức môi giới bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

“Viện – Tòa” trái quan điểm

Ngày 13/6/2016, vụ án gây nhiều tranh cãi hơn khi Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. HCM đã đưa ra kháng nghị án phúc thẩm, theo thủ tục giám đốc thẩm.

Theo quan điểm của cơ quan này, bản án phúc thẩm nhận định công ty Huada là bên đề nghị giao kết hợp đồng bảo hiểm là chưa đúng. Vì Huada là khách hàng và PJICO là bên chào giá.

Đặc biệt, việc thông qua fax của trung gian là văn phòng Chung Kuo dịch, là không có giá trị theo Điều 570 Bộ luật Dân sự quy định về hình thức của hợp đồng bảo hiểm.

Tuy nhiên, ngày 29/8/2016, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM ban hành quyết định giám đốc thẩm, không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án phúc thẩm với nhận định hợp đồng bảo hiểm giữa công ty Huada và PJICO đã phát sinh hiệu lực.

Sau khi Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM đưa ra quyết định này, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. HCM đã kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Hà Nội yêu cầu tiếp tục kháng nghị giám đốc thẩm lần 2.

Quan điểm giữa “Viện – Tòa” trái ngược nhau liên tục được đưa ra, đã khiến cho dư luận đánh giá thấp hiệu lực của bản án giám đốc thẩm.

Chung Kuo không được công nhận, liệu bản án còn đúng?

Hiện tại, theo quyết định bản án giám đốc thẩm của Toàn án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, việc chuyển tiền bồi thường theo yêu cầu của cơ quan thi hành án đang được thực hiện.

Số tiền gần 58 tỷ đồng sẽ được chuyển cho Huada, một công ty nước ngoài hiện đã dừng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Rủi ro mất tài sản của một doanh nghiệp có số vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ đa số sẽ xảy ra nếu quyết định của bản án này được chứng minh là sai.

Điều này hoàn toàn có căn cứ, khi xem xét đến vai trò trung gian của văn phòng Chung Kuo, đang được xem là căn cứ quan trọng, được Tòa án nhân dân tối cao tại TP. HCM công nhận là tổ chức môi giới bảo hiểm.

Theo quy định tại Luật thương mại về Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam thì Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam do Sở Công thương cấp giấy phép thành lập.

Nhưng trong công văn trả lời Báo Thương hiệu & Công luận về tư cách pháp nhân của văn phòng Chung Kuo, Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho biết, “Qua rà soát, Sở Công thương không cấp giấy phép đăng ký hoạt động kinh doanh, vì thế hoạt động của tổ chức này Sở Công thương không có thông tin trả lời cho quý báo”.

Một câu hỏi được đặt ra, việc văn phòng Chung Kuo được Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM xác định làm trung gian cho PJICO, bằng việc dịch văn bản, gửi bản báo giá, chi tiết đơn bảo hiểm cho công ty Huada có giá trị pháp lý hay không? Khi văn phòng này không có giấy phép hoạt động kinh doanh.

Có lẽ bản án giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM, buộc PJICO bồi thường công ty Huada đang căn cứ vào hoạt động của 1 tổ chức không có thực. Chưa nói đến là tổ chức hoạt động bất hợp pháp.

Hải Dương