Theo đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ra quyết định phạt 510 triệu đồng về đối với Công ty Cổ phần tập đoàn Sản xuất Thương mại Quốc tế Greenlife, địa chỉ trụ sở chính tại thôn Kim Tỉnh, xã Trung Thành, Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên do hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương khi chưa có xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp của Sở Công Thương.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đã không thực hiện nghĩa vụ sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi có thay đổi, bổ sung liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật, cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp...Bán hàng đa cấp, 3 công ty bị xử phạt gần 1 tỷ đồng - Hình 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: iStock).

Ngoài quyết định xử phạt bằng tiền, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với doanh nghiệp này, đồng thời yêu cầu Greenlife tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của mình trước pháp luật, trong đó có nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tham gia Bán hàng đa cấp trong mạng lưới của doanh nghiệp.

Theo báo Tiền phong thông tin, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng phạt tiền 170 triệu đồng về các vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân (Oriflame).

Theo Bộ Công Thương, Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân (Oriflame) là một trong 4 công ty đa cấp có doanh thu lớn nhất Việt Nam với tổng doanh thu bán hàng đa cấp trên 1.000 tỷ đồng năm 2017. Những vi phạm của đa cấp Mỹ phẩm Thường Xuân được chỉ ra là công ty đã cấp này cũng tổ chức bán hàng đa cấp khi chưa có xác nhận bằng văn bản cho phép của Sở Công Thương tỉnh, thành phố cũng như không thực hiện đầy đủ quy định về đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay Công ty Mỹ phẩm Thường Xuân còn ký hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp không bằng hình thức văn bản hoặc không bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật.

Một công ty đa cấp nhiều tai tiếng khác cũng bị Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phạt tiền 240 triệu đồng đợt này là Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam.

Công ty đa cấp này cũng thực hiện bán hàng "chui" tại nhiều tỉnh, thành phố trong khi không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đào tạo cho người tham gia bá hàng đa cấp.

Công ty đã chi trả hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác cho nhà phân phối vượt quá 40% doanh số bán hàng trong năm đồng thời chi trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác cho người tham gia bán hàng đa cấp không đúng chương trình trả thưởng đã đăng ký.

Như vậy, số tiền xử phạt của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng với 3 doanh nghiệp trên đã lên tới 920 triệu đồng.

Thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2017, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đã giảm xuống còn 33 doanh nghiệp, trong đó 2 doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động bán hàng đa cấp.

Cũng trong năm 2017, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã trực tiếp tiến hành kiểm tra đối với 4 doanh nghiệp bán hàng đa cấp qua đó đã tiến hành xử phạt 950 triệu đồng đối với 3 doanh nghiệp gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhã Khắc Lâm (30 triệu đồng); Công ty Cổ phần Everrichs (620 triệu đồng), Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group (300 triệu đồng)

Ngoài ra, Cục cũng đã điều tra, xử phạt đối với một số doanh nghiệp khác: Thiên Ngọc Minh Uy (140 triệu đồng); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Herbalife Việt Nam (140 triệu đồng); Công ty Cổ phần Queenet Quốc tế (240 triệu đồng); Công ty Trách nhiệm hữu hạn World Việt Nam (80 triệu đồng); Công ty Người lái xe mặt trời (51 triệu đồng); Công ty TNHH Visi Việt Nam (30 triệu đồng).

Căn cứ kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm, Cục đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Cổ phần Everrichs và Công ty Trách nhiệm hữu hạn BHIP.

 Hải Đăng