Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse cho hay, trong năm 2020, giống như các doanh nghiệp khác, Sunhouse cũng rơi vào trạng thái khó khăn khi dịch bệnh bùng phát.
Sunhouse đã xây dựng 5 kịch bản, chi tiết từng kịch bản thì ai phải làm gì. Năm 2020, nhờ áp dụng các giải pháp quyết liệt, có giải pháp đa dạng thị trường mà Sunhouse đã vượt qua được khó khăn, và xuất khẩu tăng gấp 5 lần so với các năm trước.
“Quan trọng là DN cần phải có dự phòng, nếu trong bức tranh kinh doanh không có khoản dự phòng thì rất nguy hiểm. Sunhouse có quỹ lương đủ trả cho nhân viên trong 3 năm, tuy nhiên vẫn có nguồn đi vay, trong đó cân đối các khoản để hoạt động. Có thể nói, Sunhouse dự báo sát về tình hình, chú trọng công tác dự phòng. Đó là những bài học kinh nghiệm mà đứng trước những cú sốc lớn DN vẫn tăng trưởng. Dịch bệnh không thể tuyệt đối hết, chúng ta phải tìm cách sống chung một cách khôn ngoan”, ông Phú nói.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ, trong suốt năm 2020 và 4 tháng năm 2021, là DN có số lượng người lao động đông, May 10 cũng gặp những khó khăn nhất định trong đảm bảo an toàn cho người lao động và đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định.
Trong suốt thời gian dịch bệnh xảy ra, DN lo đủ công việc cho cán bộ nhân viên, đồng thời đưa nhiều giải pháp để tăng doanh thu, vượt kế hoạch đề ra. Với quy mô nhiều lao động, nếu có 1 người bị nhiễm sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ dây chuyền nên DN đề ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, xây dựng nhiều kịch bản, mỗi tình huống xảy ra thì ứng phó như thế nào. DN thực hiện rà soát, truy vết triệt để, chi tiết, bố trí lao động linh hoạt nếu có F2, F3.
Tuy nhiên, ông Việt cho rằng, trong công tác phòng chống dịch bệnh thì khâu tuyên truyền là quan trọng nhất. Công ty May 10 tuyên truyền tới người lao động từ việc nhỏ nhất như không nói chuyện, không tiếp xúc, tăng cường khử khuẩn; làm chặt chẽ từng khâu, ngăn nguồn lây bệnh từ bên ngoài, tại khu vực tăng ca cũng làm vách ngăn, trên từng ngăn có poster tuyên truyền, thường xuyên nhắc nhở người lao động.
Nhận định tác động của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này sẽ rất lớn, rất sâu tới hoạt động của DN, ông Việt bày tỏ lo lắng, nếu thực hiện giãn cách trong 21 ngày, nếu phải dừng hoạt động thì DN sẽ mất 7% thời gian làm việc của cả năm. Đây là bài toán rất khó với DN sử dụng nhiểu lao động như May 10.
Giả định câu chuyện nếu giãn cách, nếu ca nhiễm tăng lên quá tầm kiểm soát thì việc thực hiện theo Chỉ thị 15, 16 và 19, nhất là Chỉ thị 16 sẽ rất khó khăn cho DN, như bế quan tỏa cảng. Chính vì vậy, ông Việt đưa ra đề xuất cần cụ thể về giãn cách, để DN vẫn được hoạt động, đảm bảo nhịp độ sản xuất kinh doanh.
Đâu là vắc xin cho doanh nghiệp?
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng: Việt Nam đã kiên cường vượt qua năm 2020 với rất nhiều khó khăn. Với DN, sự sụt giảm doanh thu do thị trường tiêu thụ, thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào, thiếu vốn… khiến DN gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2020, 65% DN bị giảm doanh thu nhưng số DN đến cuối tháng 4 vẫn đạt mực kỷ lục so với năm 2020. Bây giờ đứng trước đợt bùng phát Covid -19 mới, phục hồi kinh tế sẽ khó khăn hơn. Chỉ số quản trị mua hàng tăng 3 tháng liên tiếp nhưng đến tháng 5, 6 chưa biết thế nào khi dịch diễn biến phức tạp. Dù khó khăn nhưng DN rất cố gắng. Năm ngoái Chính phủ đã triển khai rất nhiều giải pháp và Chính phủ đang tiếp tục hỗ trợ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách còn hạn chế, cần có các giải pháp để DN được thụ hưởng tốt hơn.
Bối cảnh hiện nay phải có hệ thống chính sách hỗ trợ thiết thực, thực tế giúp DN thực thi CPTPP và EVFTA cần phải tổ chức nhuần nhuyễn hơn. Bên cạnh đó là hỗ trợ về thị trường, hỗ trợ về tài khoá tiền tệ (chính sách thuế, tiếp cận vay vốn).
Với các DN, có 2 vắc xin cần thiết: Quản trị DN phải xây dựng quản trị minh bạch, có khả năng chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh, phải kiên cường để chống đỡ được. Vắc xin thứ 2 là vắc xin y tế. Thủ tướng đã giao cơ quan chức năng thúc đẩy vắc xin hạn chế lây lan dịch bệnh trong thời gian tới. Hiệp hội DN cần tăng cường sự liên kết, tăng cường sự đối thoại cùng DN".
Dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, việc thực hiện song hành 2 mục tiêu chống dịch và phát triển kinh tế xã hội là vô cùng quan trọng. Phải đảm bảo hài hòa 2 mục tiêu thông qua nhiều giải pháp khác nhau trong đó vắc xin là lâu dài và cần thiết trước mắt.
Dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nêu vấn đề, so sánh trong 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ 2020, 2019 thì số lượng DN thành lập mới cơ bản không thay đổi nhưng con số DN rút khỏi thị trường là 51.500. Con số rất đáng quan ngại. Bên cạnh đó, số DN tạm ngừng kinh doanh vẫn tiếp tục tăng (28.000 DN, trong khi năm 2019 con số chỉ có 6.000).
Ông Hiếu phân tích, hoạt động của DN bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19 ở các mức độ khác nhau. Làn sóng lần thứ 4 này đánh vào 2 cơ sở y tế và cơ sở sản xuất khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Năm nay, sức khỏe của DN đã yếu hơn năm trước rất nhiều.
“Câu chuyện bây giờ đã là khẩn cấp, không còn thời gian, phải đưa ra giải pháp nếu không sẽ mất hết cơ hội. Các chính sách hỗ trợ DN thời gian vừa qua đã được nhắc đến rất nhiều, nhìn chung tốt cho DN. Nhưng bài học gì cần được rút ra, theo tôi, đó là gói hỗ trợ vừa rồi vô tình bỏ qua một đối tượng là người nông dân sản xuất hàng hóa. Sau đợt dịch ở Hải Dương, chúng ta đã thấy tác động rất lớn, cho nên lần này phải tính toán kỹ hơn. Các gói tiếp cận theo hướng công bằng, tiêu chí dễ dàng hơn, thiết thực cho DN. Bởi tiêu chí hỗ trợ trong một số trường hợp lại đi ngược với mong muốn giữ chân người lao động của DN”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho rằng, DN đã chủ động, tìm mọi biện pháp để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Trong gói giải pháp có mấy điểm: Chống dịch thì quan tâm đặc biệt tới vắc xin, cần phải có vắc xin doanh nghiệp.
“Nếu chậm trễ thì chúng ta càng bị bỏ ra ngoài cuộc chơi, cần đẩy mạnh và đa dạng hơn nữa khái niệm vắc xin. Chính phủ kêu gọi xã hội hóa, DN đóng góp. Tôi mạnh dạn đề nghị Chính phủ nên cân nhắc khái niệm, cho thực hiện vắc xin doanh nghiệp, nếu DN đủ nguồn lực tìm kiếm nguồn vắc xin tiêm cho toàn bộ người lao động.
Nếu DN tự chi trả được thì sẽ chủ động nguồn hàng, kiểm soát rủi ro, đó là một cách hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ. Các giải pháp khác còn nhiều, nhưng với bài học từ gói lần trước, thấy rằng gói hỗ trợ DN là rất cần thiết nhưng hỗ trợ người nông dân từ thu hoạch, đóng gói, bảo quản, tiêu thụ, chuyển đổi mô hình kinh doanh có ý nghĩa ngắn hạn và cả dài hạn, cần ưu tiên giải pháp cho nông dân kể cả khi dịch bệnh đã lui”, ông Hiếu nêu ý kiến.
Đoàn Huế