“Rút ruột” bánh xịn để lừa khách hàng

Những ngày này, “thủ phủ bánh kẹo lớn nhất miền Bắc” - xã La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) người xe ra vào tấp nập. Hàng dài xe tải nối đuôi nhau đến cân buôn bánh kẹo, rồi tỏa đi đủ hướng để phục vụ bà con dịp tết.

Trong vai một người đến nhập hàng với số lượng lớn để về làm giỏ quà tết, phóng viên được một chủ cửa hàng ăn uống trong xã dẫn đến tham quan một số đại lý bánh kẹo tại La Phù, với lời hứa nếu mua được hàng phải chia phần trăm cho bà.

Bánh kẹo Tết: Tràn ngập hàng nhái, “rút ruột” hàng xịn để lừa người tiêu dùng - Hình 1

Các thương hiệu bị làm nhái bao bì khá tinh vi, khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn (Ảnh: Tú Linh)

Đi theo người này vào trong xã, trực tiếp “ngã giá” với những chủ đại lý bánh kẹo, chúng tôi bất ngờ khi các loại bánh, mứt Tết đủ màu sắc bắt mắt ở đây đều có giá rẻ bất ngờ.

Theo tiết lộ của một chủ đại lý có tên Bích, dịp giáp Tết, cơ quan chức năng thường xuyên đi kiểm tra, nên người dân đã nghĩ ra chiêu mua hàng thật về, có hóa đơn chứng từ đầy đủ, nhưng sau đó rút lõi rồi nhét hàng “made in La Phù” vào. Tỉ lệ rút lõi thường từ 30-40% so với trọng lượng ghi trên bao bì. 

Cũng theo người này, dù cửa hàng bán cả "hàng đủ", nhưng hàng rút ruột lại được dân buôn ưa chuộng, bởi bán rất chạy trên thị trường. Những loại hàng này chủ yếu được vận chuyển đi tiêu thụ ở các vùng nông thôn. Người dân tưởng mua được đồ rẻ nhưng hóa ra bị “móc túi” mà không biết.

Cẩn thận để không mua phải hàng nhái

Một lý do nữa khiến hàng hóa ở La Phù được nhiều dân buôn ưa chuộng vì có giá cực “bèo” mà được sản xuất na ná như các thương hiệu nổi tiếng. Những loại bim bim, quẩy, kẹo cân được đóng vào những bao tải, có giá chưa đến 10.000 đồng/kg.Bánh kẹo Tết: Tràn ngập hàng nhái, “rút ruột” hàng xịn để lừa người tiêu dùng - Hình 2

Những thùng bành kẹo cả chữ tiếng Việt, chữ Trung Quốc chất đầy lên các xe để chở đi tiêu thụ ( Ảnh: Đ.C)

Trong xã cũng có cơ sở chuyên sản xuất bao bì nhái các hãng uy tín. Cách phổ biến nhất là dựa trên các bao bì hàng thật, các chủ hàng sẽ đặt làm giống hệt hàng thật về màu sắc, kích cỡ và chỉ 

Ví dụ Custar, Custard (nhái của Custas), Oriion (nhái thương hiệu Orion), Oshi (nhái của Oishi), Damisa (nhái của Danisa), ChocoPia (nhái thương hiệu ChocoPie) hay Cozy (nhái của Cosy). Những loại bánh kẹo này được sản xuất ngay trong xã La Phù, hoặc được người dân nhập ở nhiều nơi khác và có giá rất rẻ. Nếu người mua không tinh mắt thì khó phát hiện đâu là hàng “xịn”, đâu là hàng nhái.

Khi đi mua sắm dịp Tết, người dân nên chú ý quan sát bằng mắt thường, các hãng bánh kẹo lớn luôn in tên hãng lên hộp bánh, tem và băng dính nắp hộp. Nếu băng dính đã bị bóc thì ít nhiều sẽ có sự chênh lệch giữa các mép dán. Một cách kiểm tra khác là người mua nên cầm hộp lên xóc nhẹ, thử xem bên trong hộp bánh có chắc không. Nếu thấy lỏng thì ruột đã có thể bị rút hoặc tráo loại bánh khác.

Theo đại diện Đội Quản lý thị trường số 24 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội), lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp Công an huyện Hoài Đức bất ngờ kiểm tra kho hàng và xưởng sản xuất bánh kẹo của công ty TNHH Hàng tiêu dùng Thái Lan (ở xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện, thu giữ khoảng 4.000 hộp bánh kẹo thành phẩm có hình thức nhái các thương hiệu bánh kẹo đang bán chạy trên thị trường như Danisa của Đan Mạch (viết thành Damisa), Cosy của Kinh Đô (thành Cozy)...

Ngoài ra, tại kho xưởng còn tập kết số lượng lớn bao bì, nhãn mác và nhiều máy móc dập, đóng gói sản phẩm. Quản lý thị trường Hà Nội nhận định, cơ sở này sản xuất số lượng lớn bánh kẹo cung ứng thị trường Tết, tuy nhiên chưa được cấp giấy phép sản xuất thực phẩm, thiếu các điều kiện đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm, nhái thương hiệu nổi tiếng và có dấu hiệu làm giả công bố chất lượng. Lượng lớn bánh kẹo nhái này chưa kịp tung ra thị trường dịp Tết đã bị cơ quan chức năng thu giữ để tiếp tục xác minh.

Theo Lao Động