Từ chiếc bánh pía truyền thống

Đi dọc theo Quốc lộ 1A, gần ngã ba An Trạch, hàng chục cơ sở sản xuất bánh pía Vũng Thơm lớn nhỏ - là địa điểm lý tưởng cho du khách ghé tham quan và mua sắm. Có điều rất lạ, hàng chục cơ sở này luôn vì lợi ích chung, xây dựng cho thương hiệu bánh pía nên giá cả rất sít sao.

Có thể kể đến những cở sở uy tín như Tân Huê Viên, Công Lập Thành, Quãng Trân… đều tấp nập du khách. Ai cũng muốn tận mắt chứng kiến công đoạn làm bánh, cũng như mua ở tận nơi mới an tâm.

Nguồn gốc bánh pía cũng không đồng nhất. Tuy nhiên, có thể hiểu, pía là âm đọc của người Triều Châu, có nghĩa là bánh. Đôi khi, bánh pía còn được gọi là bánh lột da. Bánh pía hình tròn, dẹt, có nhiều lớp da mỏng bao lấy phần nhân đậu xanh (hoặc khoai môn, mứt các loại) mỡ heo, lòng đỏ trứng vịt muối...

Theo lời kể của người dân, bánh pía Sóc Trăng xuất hiện ở vùng đất này từ thế kỷ XVII, theo chân những người Hán di cư đến phương Nam, chiếc bánh này khi đó là lương thực để ăn dọc đường. Đầu tiên, bánh được làm khá đơn giản: vỏ ngoài là bột mỳ cán thành da mỏng bao quanh nhân ở bên trong; nhân gồm có đậu xanh và mỡ heo.

Giờ đây, nhiều loại nhân khác cũng đã được sử dụng như sầu riêng, khoai môn và cả cho người ăn chay, đáp ứng đủ nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Bánh pía Sóc Trăng - Bài 1: Công nghệ hoá sản xuất ở Vũng Thơm - Hình 1

Bánh pía hiện nay đã được đa dạng hình thức và chất lượng

Hầu như ở tất cả các con đường, các trung tâm thị trấn, huyện lỵ của tỉnh Sóc Trăng đều có cửa hàng bán loại bánh đặc sản này. Theo kiểu đóng gói truyền thống, mỗi phong bánh pía Sóc Trăng gồm bốn cái, gói theo hình trụ.

Ngày xưa, bánh thường được gói bằng giấy khá đơn giản.

Ngày nay, những phong bánh pía Sóc Trăng vẫn giữ hình trụ truyền thống, nhưng được bảo quản trong hộp để giữ "dáng" bánh, bao bì vẫn là 2 màu đỏ - vàng, nhưng rực rỡ và chuyên nghiệp hơn, với các thông số về tiêu chuẩn chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng...

  • Đến chiếc bánh pía công nghiệp

Để đáp ứng được thị hiếu và sức tiêu thụ bánh pía, trong thời gian gần đây, công nghệ làm bánh bằng tay dần dần đã không thể bắt kịp với xu hướng thời đại. Chính vì thế, các ông chủ hãng đã tập trung đầu tư sản xuất bánh pía theo dây chuyền với máy móc hiện đại. Trong số đó, ông Thái Tuấn, chủ thương hiệu bánh pía Tân Huê Viên là một trong những người tiên phong trong công cuộc này.

Bánh pía Sóc Trăng - Bài 1: Công nghệ hoá sản xuất ở Vũng Thơm - Hình 2

Bánh pía ngày nay được sản xuất bằng máy móc nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống

Năm 2010, Tân Huê Viên quyết định đầu tư trên 22 tỷ đồng để mở rộng nhà xưởng thêm 10.000 m2, trang bị nhiều máy móc, công nghệ hiện đại như máy nhồi và cán da bánh pía, máy làm bánh Long Châu, hệ thống tự động làm nguội bánh...

Đồng thời, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng điểm dừng chân trên diện tích 1.200 m2, gồm 4 tầng có bố trí khu ăn uống giải khát, khu trưng bày sản phẩm, khu tham quan mô hình sản xuất bánh pía thu nhỏ để du khách có thể tìm hiểu, thể nghiệm và thưởng thức sản phẩm. Sản phẩm của Tân Huê Viên có một thay đổi lớn đó là thay vì tất cả bánh để trong một hộp, khi đã xé ra là phải dùng hết một lúc thì nay, làm bao bì cho từng chiếc bánh để có thể ăn dần.

Nhiều người vẫn lo ngại về chất lượng bánh làm bằng máy móc sẽ không ngon bằng làm thủ công. Bỏ qua những nghi ngại trên, ông chủ Tân Huê Viên khẳng định: “Bánh Pía làm theo kiểu công nghiệp ngon hơn bánh làm theo kiểu truyền thống. Nếu nói về chất lượng nhân bánh, tôi đã có rất nhiều cải tiến so với làm thủ công trước đây. Còn về năng suất, 100 chiếc bánh làm bằng máy có chất lượng hoàn toàn giống nhau, trong khi làm thủ công thì không kiểm soát được độ đồng đều”.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số thương hiệu bánh pía nổi tiếng tại Sóc Trăng đang bị một số cơ sở nhỏ lợi dụng để sản xuất ra những chiếc bánh kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của những DN làm ăn chân chính...

“Nhắc đến Sóc Trăng, ai cũng nhớ và nghĩ ngay đến “Bánh Pía”. Bánh pía được biết đến, cùng với sự phát triển theo bề dài lịch sử, là một trong những loại đặc sản của vùng đất Vũng Thơm – Sóc Trăng với hương vị đặc trưng riêng mà không nơi nào thay thế được”.

Huy Diệu