Hy vọng mong manh
Theo những người dân ở KDC 586 Hậu Giang, nhiều lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh Hậu Giang đã mua nhà đất tại đây. Dù chưa có giấy tờ suốt nhiều năm, nhưng họ vẫn im lặng. Có lẽ... “sợ ảnh hưởng đến uy tín của mình” (!).
Hợp đồng mua bán nhà đất giữa Công ty 586 Sóc Trăng với anh N
Qua tiếp cận, một số cán bộ cũng than thở: Sao lâu quá không có giấy tờ nhà?
Biết mình có thể đã và đang bị lừa, nhưng đành chấp nhận. Một trong số vị lãnh đạo, khi trao đổi với chúng tôi cho biết: “Anh có phản ánh thì cố gắng đừng nêu tên tui nhé”.
Đặc biệt, đại đa số những cán bộ cấp cao lại không đồng tình khi báo chí phản ánh sự thật đang tồn tại vừa qua. Đến giờ, mọi người vẫn cứ tin có một phép màu nào đó, Công ty 586 sẽ hồi sinh và mọi người có lại được đất của mình.
Anh H, một người mua nhà đất ở đây đã gần 6 năm cho biết: “Giờ tôi đã chuẩn bị tâm lý rồi, nếu công ty phá sản, ngân hàng lấy tài sản để phát mãi, thì chắc lại phải tốn thêm tiền để mua miếng đất này 1 lần nữa rồi. Nhà của mình, không lẽ rời đi, chỉ tội cho những hộ dân khác đang rơi vào cảnh nợ nần khi vay mượn để mua nhà đất”.
Theo luật sư Trần Văn Phương (Công ty luật Bình An) thì, những hợp đồng mà các hộ dân khi tham gia vào cuộc kiện tụng đều hoàn toàn đuối lý. Với trường hợp công ty tuyên bố phá sản, còn tệ hơn và người dân cũng không mong đợi gì được từ phía chính quyền, vì hợp đồng hai bên là hợp đồng dân sự.
Khách hàng ở Sóc Trăng lo lắng
Những hộ dân ở KDC 585 Hậu Giang đang ngóng chờ. Còn những khách hàng đã mua nhà đất ở khu D, Trần Hưng Đạo, phường 2, TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) cũng đang rất lo lắng. Vì không biết mình có được giấy tờ nhà đất như ý muốn hay không?
Nhiều căn nhà tại khu này vẫn chưa bán được
Được biết, khu dân cư này thuộc dự án KDC 586 Sóc Trăng. Anh N., một người đã mua nhà đất, tổng diện tích 86,65 m2 và một căn nhà cấp 4 với giá 400 triệu đồng. Theo hợp đồng thì anh sẽ trả theo 12 đợt, đến nay anh đã trả 8 đợt, số tiền còn lại 112 triệu đồng, anh không trả nữa với lý do giấy tờ đất đã nằm hết ở ngân hàng.
Anh N cho biết: “Hợp đồng nói 3 năm sẽ giao đầy đủ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Nhưng nhiều thông tin từ Hậu Giang và Cần Thơ buộc tôi không trả số tiền còn lại. Đề phòng không được giao đất”.
Dạo hết một vòng, thấy nhiều căn nhà xây dở dang ở đây. Và có rất nhiều biển treo bán nhà, nhưng khi liên hệ thì họ nói không nắm giấy tờ nhà đất. Câu trả lời là “chúng tôi sẽ chuyển nhượng hợp đồng nhà đất giữa tôi với Công ty 586 Sóc Trăng cho anh” – một người bán nhà cho hay.
Điều này chứng minh một thực tế là họ đang cố gắng bán gấp đi những “của nợ” của mình. Anh N. chia sẻ: “Mua ở đây là chấp nhận rủi ro, nếu họ tuyên bố phá sản thì lại phải chuẩn bị một số tiền để mua miếng đất đó. Nguyên dãy này có bán được đâu, người ta ngán ngại”.
Khi hỏi về giấy tờ nhà đất giờ hiện tại ở ngân hàng nào, anh N. chỉ biết “nghe đâu Công ty 586 Sóc Trăng là đối tác chiến lược của ngân hàng BIDV”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều khách hàng tại khu D, KDC 586 Sóc Trăng đã trả hết 90% giá trị hợp đồng thì đành chấp nhận và cầu mong nó không rơi vào tình trạng như những KDC khác mang tên 586 tại ĐBSCL.
Tại Cần Thơ, báo chí đã phản ánh về những lùm xùm xung quanh hình thức mua bán không rõ ràng của Công ty CP 586 Cần Thơ.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục phản ánh trong những kỳ sau.
Nhóm phóng viên Tây Nam Bộ