Để chủ động ứng phó với bão số 12 (bão Damrey) đang tăng cấp và tiến nhanh trên vùng biển Khánh Hòa - Ninh Thuận, ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 sáng 3/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vào Khánh Hòa, Phú Yên, trực tiếp chỉ đạo chống bão số 12.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi thị sát tại Phú Yên
Trưa nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã vào Phú Yên, đi thị sát tại khu vực kè xóm Rớ (phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa) và kiểm tra công tác phòng chống bão tại cảng Vũng Rô.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự tích cực, chủ động, quyết liệt của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, đặc biệt là của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương trong ứng phó với bão số 12 và tình hình mưa lũ sau bão.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý đây là cơn bão có cường độ mạnh, đặc biệt sau bão, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh sẽ gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng nên các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng không được phép chủ quan, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời các phương án, biện pháp cụ thể ứng phó với bão, lũ theo tình huống xấu nhất.
Phó Thủ tướng kiên quyết yêu cầu, từ giờ tới khi bão đổ bộ vào đất liền không còn nhiều thời gian, các địa phương trước hết phải tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Cần tiếp tục rà soát tàu thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển, ven bờ và ở vùng cửa sông để kêu gọi vào nơi tránh trú.
Tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm ở ven biển, vùng cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sóng lớn tàn phá; sơ tán người trong các nhà yếu không bảo đảm an toàn, trên các các tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ hải sản (ven biển, cửa sông và trên các đầm phá). Huy động lực lượng quân đội, công an và các lực lượng tại chỗ kiên quyết thực hiện di dời, sơ tán người dân trước khi bão đổ bộ vào.
Hướng dẫn, hỗ trợ người dân di chuyển, gia cố bảo vệ các lồng bè, các khu nuôi trồng thủy hải sản, hạn chế thiệt hại do bão, lũ (đây là một trong những khu vực nuôi trồng thủy sản nhiều).
Vị trí và đường đi của bão số 12
Chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở, công sở, trường học, trạm y tế; có phương án bảo vệ các công trình xây dựng, nhất là các công trình dạng tháp cao, cần cẩu, cột phát sóng truyền hình, ăng ten,… Đồng thời lưu ý các địa phương trong việc bảo đảm an toàn hồ đập, bảo đảm an toàn giao thông; chống ngập úng...
Do sóng đánh mạnh, kè xóm Rớ đã bị vỡ một đoạn, Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương khẩn trương huy động, tập trung lực lượng, phương tiện nhanh chóng hàn khẩu. Trong quá trình thi công, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Về phía địa phương, sáng 3/11 Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên đã ký ban hành công văn số 252-CV/TU yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, cơ quan, đơn vị tập trung ứng phó bão số 12.
Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13h ngày 03/11, vị trí tâm bão cách bờ biển Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 350km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115 - 135km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo khoảng sáng sớm mai (4/11) bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11 - 12, giật cấp 15, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần.
Theo kinhtedothi.vn