THCL Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, trên thị trường vàng hiện nay, có từ 3 - 8% lượng vàng không đủ độ tuổi, không đảm bảo chất lượng. Theo đó, trong tháng 7 và tháng 8, Thanh tra bộ KH&CN đã phát hiện hàng loạt cơ sở bán vàng trên cả nước không đạt hàm lượng tiêu chuẩn.

517 cơ sở vi phạm

Theo Báo cáo của Bộ KH&CN gửi Văn phòng Chính phủ về công tác QLTT vàng, riêng trong năm 2015, cơ quan chức năng tại 51/63 sở KH&CN các tỉnh đã tiến hành kiểm tra tại 1.718 cơ sở kinh doanh vàng, phát hiện 423 cơ sở (chiếm 25%) vi phạm như sử dụng cân vàng không kiểm định, không đạt yêu cầu về đo lường; cân không phù hợp về phạm vi đo và cấp độ chính xác (170 phương tiện đo không đúng tiêu chuẩn bị thu giữ, chiếm 9,7% số vụ vi phạm); hàm lượng vàng không đạt theo tiêu chuẩn công bố…

Cơ quan chức năng đã tịch thu số hàng hơn 4.000 mẫu, trong đó tạm dừng lưu thông hơn 2.800 mẫu và xử phạt số tiền gần 200 triệu đồng.

Năm 2016, chỉ sau 2 tháng triển khai (tháng 7 và tháng 8), tính đến hết ngày 01/9/2016, Thanh tra Bộ KH&CN đã nhận được báo cáo nhanh về kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng tại 43 tỉnh, thành phố. Qua thanh tra, kiểm tra tại 1.286 cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng, lực lượng chức năng đã xử phạt 286 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 2 tỷ đồng.

Tổng số hành vi vi phạm là 517 cơ sở. Trong đó, vi phạm về sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu: 78 trường hợp (chiếm 15% hành vi vi phạm); khối lượng hàng hóa không đạt: 10 trường hợp (chiếm 2%); không công bố tiêu chuẩn áp dụng: 73 trường hợp (chiếm 14%); hàng hóa không đạt chất lượng: 13 trường hợp (chiếm 2,5%); nhãn hàng hóa không đạt: 305 trường hợp (chiếm 59%); vi phạm khác: 38 (chiếm 7,4%).

Riêng tại Đồng Nai, từ tháng 4 - 15/6, Sở KH&CN đã tiến hành kiểm tra 50 DN kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh và phát hiện 47 trường hợp vi phạm về hàm lượng vàng, xử phạt 30 DN sai phạm với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Theo Bộ KH&CN, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do trước đây, ở trong nước không có đơn vị chuyên môn nào có chức năng quản lý về tuổi vàng, chất lượng vàng dẫn đến tình trạng không thống nhất, không được quản lý đối với tuổi vàng trong suốt thời gian dài.

Đến khi Bộ KH&CN ban hành Thông tư 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường thì công tác này mới được chú trọng.

Mới quản lý được phần ngọn

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ NTD Việt Nam nhận định, việc cơ quan nhà nước phát hiện tới hơn 500 cơ sở kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ vi phạm quy định về đo lường, sử dụng cân vàng không kiểm định, không đạt yêu cầu về đo lường, vi phạm về chất lượng vàng, vàng không đạt theo tiêu chuẩn công bố, đã và đang gây thiệt hại không nhỏ cho NTD.

Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, đây mới chỉ là kết quả sơ bộ được đánh giá trong tháng 7 và 8. Trong tháng 9, Thanh tra Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các sở KH&CN trên cả nước tiếp tục thực hiện thanh tra chuyên đề mặt hàng này.

"Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở vi phạm về kinh doanh vàng là do hiện sản xuất, NK vàng trang sức, mỹ nghệ không được kiểm soát về chất lượng, đặc biệt đối với DN, cá nhân được NK vàng trang sức, mỹ nghệ qua cửa khẩu không cần kiểm soát chất lượng và họ chỉ nộp thuế theo quy định của pháp luật là đủ.

Trong khi các cửa hàng kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ cho biết, họ chỉ biết bán vàng trang sức, lấy từ các cơ sở NK, sản xuất và chế tác được NHNN cho phép và chất lượng vàng do các cơ sở này quyết định. Vô hình chung, các cơ quan quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ như hiện nay, mới chỉ quản lý được phần ngọn mà không quản lý được phần gốc…", ông Dũng cho hay.

Cũng theo ông Dũng, để giảm bớt các vụ vi phạm về kinh doanh vàng, Bộ KH&CN sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi NĐ số 24/2012/NĐ-CP, trong đó quy định quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất và NK.

Tuấn Ngọc