Được biết, Black Friday là ngày thứ sáu sau Lễ Tạ Ơn. Từ năm 1932, sự kiện này được coi là khởi đầu cho mùa mua sắm Giáng sinh ở Mỹ, mùa mua sắm lớn nhất trong năm. Nhiều năm nay, chương trình này cũng được “du nhập” về Việt Nam, nhưng giảm giá bên nước ngoại lại có phần khác so với “phương thức” giảm giá tại Việt Nam. Các chương trình khuyến mãi không nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dùng, đặc biệt trong thời gian đầu tổ chức.

“Bão giá” ngày Black Friday 2018, người tiêu dùng dễ bị lừa - Hình 1

Mấy năm gần đây, vào ngày Black Friday ở Việt Nam, các cửa hàng thời trang, giầy dép cũng đua nhau khuyến mãi (Ảnh B.Trang)

Bên cạnh nhiều mặt hàng được giảm giá thật, vẫn còn đó không ít các sản phẩm bị nâng giá lên cao gấp 2-3 lần rồi giảm giá ảo để lừa dối khách hàng. Do đó, người dùng cần phải tự trang bị cho bản thân những kiến thức nhất định, tránh sập bẫy khuyến mãi ảo của nhiều cửa hàng hiện nay.

Theo chị Dung ( Triều Khúc – Hà Nội) cho biết, chị vốn là một tín đồ của thời trang, riêng vào các dịp cuối năm chị thường “săn” hàng giảm giá của các hãng, theo chị với những thương hiệu nước ngoài thì sẽ đồng loạt giảm trong và ngoài nước ngang nhau. Còn với nhiều cửa hàng thì thường giới thiệu là giảm giá nhưng “chiêu quen thuộc” của các cửa hàng thời trang là tăng giá sản phẩm lên rồi giảm xuống 20%, 30% cho người tiêu dùng. Quanh đi quẩn lại người tiêu dùng chẳng được lợi, có khi còn mất thêm tiền vì đây là “thời điểm vàng” để các tín đồ thời trang “vung tiền” không suy nghĩ.

“Bão giá” ngày Black Friday 2018, người tiêu dùng dễ bị lừa - Hình 2

Những ngày này, đi trên các tuyết phố như Chùa Bộc, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch, Kim Mã,... không khó để bắt gặp các biển quảng cáo treo lên với chương trình giảm giá siêu khủng Nhiều cửa hàng quyết định giảm giá khủng tới 50-70% cho tất cả các sản phẩm

Chị T. chủ một shop quần áo tại Hà Nội cho biết, trung bình mỗi năm chị mở khoảng 4 – 5 đợt sale off (giảm giá). Mỗi lần giảm 30 - 50%, nhất là các dịp cuối năm theo phong trào ngày Black Friday, thì bên chị có thể giảm đến 70%, chị cũng bật mí, dù giảm cực khủng nhưng cửa hàng chị vẫn có lãi cao.

Chị T. lý giải: “Mỗi tháng tôi thường sang Trung Quốc 2 lần để lấy hàng, giá rất rẻ. Khi về shop mình đưa giá bán cao gấp 2 – 3 lần, thậm chí gấp 5 lần so với giá gốc. Đơn cử, một chiếc áo len nam, trung bình giá gốc tại chợ ở Trung Quốc là 70.000 đồng. Nhưng khi treo ở shop nó lên 300.000 - 350.000 đồng. Do vậy, nếu đợt giảm giá mức 50% sẽ còn 150.000 - 175.000 đồng, thậm chí giảm 70% thì giá bán vẫn cao hơn so với giá gốc”.

Theo tìm hiểu của PV, thường vào các dịp chuyển mùa hoặc những ngày lễ lớn tại Việt Nam, những cửa hàng, chuỗi thời trang sẽ giám giá khủng để tăng doanh thu cũng như để thanh lý hàng cũ.

Chị Vũ Thêm ( Đống Đa – Hà Nội), chị kể, có lần đi mua chiếc áo khoác tại một cửa hàng quen trên đường Xã Đàn, Hôm trước đã xem giá niêm yết là 560.000 đồng, nhưng ngay hôm sau quay lại, thấy chủ hàng báo giảm giá 30% nhưng giá trên mác chưa giảm lên đến 600.000 đồng. Biết ngay bản thân bị hớ nên mình cũng chẳng mua nữa, cũng từ đó có kinh nghiệm mua hàng sale hơn. Cứ phải đi đến 2, 3 cửa hàng rồi mới biết nên mua hàng ở đâu để không bị thiệt thòi.

Về cuối năm, tâm lý thích mua sắm đồ rẻ cùng những tấm biển “sale off, thanh lý, giảm giá” càng làm cho chị em hoa mắt, rút hầu bao mà không cần suy nghĩ. Vì vậy, để “săn” được món đồ thời trang ưng ý về cả giá cả và chất lượng trong thời điểm này, người tiêu dùng nên tham khảo một mẫu mã tại nhiều cửa hàng hoặc đến đến trung tâm thương mại, store chính hãng để được giảm hàng một cách “văn minh” nhất.

Bảo Trang