Thời gian gần đây, EVN công bố biểu giá điện 6 bậc thang, cho tới quyết định tăng giá điện lên 8,36% từ ngày 20/3. Chỉ một thời gian ngắn sau khi có quyết định tăng giá điện, người dân, dư luận bắt đầu có những phản ứng gay gắt khi hóa đơn tiền điện tháng 4 bỗng nhiên tăng gấp 1,5 - 2 lần. Sự việc như “giọt nước tràn ly”, những bức xúc dồn nén lâu ngày của người dân được dịp bung ra.
Thực tế, mức giá đề nghị tăng 8,36% của ngành điện là không cao, hoàn toàn có thể chấp nhận được. Nếu với mức tăng này, số tiền không đáng kể. Tuy nhiên, sự bức xúc của người dân không chỉ riêng việc EVN tăng giá điện, cũng không nằm ở việc hóa đơn tiền điện cao hay thấp, mà người ta bức xúc vì mức tăng giá được công bố với hóa đơn tiền điện thu thực tế không khớp nhau. Việc này khiến dư luận, người dân nghi ngờ có sự nhập nhèm, gian dối trong cách tính giá điện của ngành điện.
Khi diễn biến vụ việc lên đến cao trào, ngày 6/5 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ việc tăng giá điện. Việc Chính phủ chỉ đạo Thanh tra vào cuộc là rất kịp thời, cần thiết và nên được ủng hộ. Người dân mong muốn EVN phải giải trình về cách tính giá điện dựa trên nguyên tắc công khai số kWh của các hộ dân và số tiền các hộ dân phải đóng trước và sau khi tăng giá điện.
(Ảnh minh họa)
Lý do EVN lý giải việc hóa đơn tiền điện tăng do năng nóng chỉ đúng một phần, cái mà họ không chỉ ra đó là người dân phải trả tiền điện giá cao do cách tính giá bình quân theo lũy tiến 6 bậc thang.
Việc xây dựng biểu giá điện lũy tiến như vậy được cho là bất hợp lý vì bậc 1 và 2 có giá thấp nhưng quy định số kWh ít, lượng tiêu thụ ở 2 bậc này rất ít. 4 bậc còn lại thì quy định mức giá quá cao so với giá bán lẻ điện bình quân (từ 8,2-gần 57%), mà lượng tiêu dùng điện ở 4 bậc này lại rất nhiều so với 2 bậc kia. Đây là nguyên nhân khiến giá điện tăng đột biến.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong số 25,8 triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt, tỷ lệ dùng điện dưới 100 kWh (bậc 1 và 2) chiếm 35,8%; hộ dùng 101-300 kWh (bậc 3 và 4) khoảng 40%. Hộ sử dụng trên 300kWh chiếm chưa đến 15% và trên 400 kWh chỉ 7%. Như vậy, nhóm khách hàng sử dụng điện ở bậc 3 và bậc 4 là lớn nhất, đồng thời chịu mức chênh giá cao nhất trong bậc thang giá điện hiện hành.
Giá điện bình quân đã tính đến nhiều yếu tố, gồm giá phát điện (giá của nhà máy để sản xuất ra được điện), giá truyền tải điện, giá phân phối điện, tỷ giá, giá quản lý ngành và phần lãi theo quy định cho EVN.
Tuy nhiên, ngành điện chưa bao giờ công khai minh bạch cấu thành của mức giá này, ví dụ, tỷ lệ dùng thủy điện, nhiệt điện than, điện mặt trời và giá thành, giá truyền tải điện có tính phần bù lại cho ngân sách đầu tư hệ thống truyền dẫn, giá quản lý ngành đã bao gồm chi phí xây sân golf, biệt thự… và chi cho số lượng nhân lực bao nhiêu, nhiều hay ít hơn thông lệ của các nước có điều kiện phát triển kinh tế tương tự…
Người dân đang phải chấp nhận một mức giá bình quân do EVN công bố. Nếu chưa minh bạch vấn đề này, sẽ rất khó đề cập tiếp tới việc phải sửa đổi bậc thang giá điện ra sao cho hợp lý.
Hằng Vương (t/h)