Lợn hơi xuất chuồng tiếp tục tăng giá mạnh, lập kỷ lục mới
Theo khảo sát của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam ngày 15/5, tại hệ thống siêu thị Vinmart trên đường Xuân Diệu (Hà Nội) bán thịt ba rọi giá 209.000 đồng/kg, thịt thăn 206.000 đồng/kg; thịt lợn sạch, ba rọi 286.900 đồng/kg, sườn thăn 295.000 đồng/kg.
Ngoài ra, giá thịt lợn được bày bán tại các chợ dân sinh Hà Nội như Nguyễn An Ninh, chợ phiên Nghĩa Đô, chợ tạm Hoàng Cầu, giá thịt nạc vai 165.000 đồng/kg, ba rọi 160.000 đồng/kg, sườn non 170.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, có một nghịch lý, dù thịt nhập khẩu tăng tới 312%, tốc độ tái đàn cũng tăng mạnh song giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao trong thời gian dài cho đến nay.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân mà còn liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng CPI bởi đây là mặt hàng nằm trong giỏ hàng hóa để tính CPI.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng, Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến đầu tháng 5/2020, việc tái đàn đã đạt được khoảng 25 triệu con, bằng 80% so với trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi.
Việt Nam cũng đã nhập khẩu được trên 54 nghìn tấn thịt lợn, đạt trên 50% so với chỉ tiêu mà Thủ tướng giao. Dự kiến, tổng sản lượng thịt lợn năm nay bằng năm 2019.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng kép xảy ra, nguồn lợn giống trên thế giới đang khan hiếm, đặc biệt là Trung Quốc nên giá lợn giống bị đẩy lên mức cao khiến tình trạng "thiếu càng thêm thiếu".
Ngoài ra, mặc dù đến nay dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được khống chế nhưng có hiện có đến 19 tỉnh chưa công bố hết dịch khiến công tác tái đàn gặp khó, ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn.
“Trong bối cảnh hiện nay, không mong chờ giá thịt lợn xuống 60-65 nghìn đồng/kg trong quý 2. May ra, đến cuối quý 3, đầu quý 4, giá thịt lợn mới có thể giảm nhiệt”, ông Trọng nói.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT xây dựng kế hoạch tái đàn cụ thể, tổ chức chăn nuôi theo từng vùng, từng khu vực chăn nuôi (doanh nghiệp, hộ gia đình) với lộ trình cụ thể, thời gian theo từng tháng để sớm đảm bảo nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu trong nước ngay đầu quý III.
Đồng thời theo dõi, tổng hợp, phân tích và đưa ra số liệu cụ thể về dự kiến lượng lợn thịt (đủ tiêu chuẩn xuất chuồng theo quy định để giết mổ, cung cấp ra thị trường) trong từng tháng để từ đó chủ động có phương án điều hòa cung - cầu thịt lợn.
Bộ NN&PTNT chỉ đạo các doanh nghiệp chăn nuôi lớn thực hiện đúng cam kết về việc giảm giá và cung ứng số lượng lợn hơi. Chủ trì, phối hợp với các bộ kiểm tra giá thành lợn hơi tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để thao túng giá thì thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định pháp luật và yêu cầu doanh nghiệp giảm giá lợn hơi về mức hợp lý.
Hằng Vương