Theo Bộ Công an, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường, cố ý vi phạm, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Việc này có thể "cướp đi sinh mạng của nhiều người", do đó pháp luật cần nghiêm khắc.
Điều kiện giao thông ở Việt Nam cũng rất khác các nước. Tại các nước phát triển, ô tô đi theo làn và khoảng cách phù hợp với tốc độ. Điều này cho phép lái xe có khoảng 0,5 giây để nhận biết tình huống khẩn cấp; 0,5 giây tiếp theo để có phản xạ. Như vậy, nếu tài xế vi phạm để xảy ra tai nạn cũng hạn chế tai nạn liên hoàn.
Để đạt được điều kiện này, ô tô đi với vận tốc 40 km/h thì khoảng cách giữa hai xe là hơn 22 m. Điều này "là không tưởng ở Việt Nam", nơi các xe chỉ cách nhau khoảng một vài mét khi đi 40 km/h. "Giao thông trên đường tại Việt Nam đòi hỏi tài xế phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh hơn rất nhiều lần nếu tình huống bất ngờ xảy ra", Bộ Công an nhận định.
Theo báo cáo, từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20%. Từ năm 2018 đến năm 2023, tổng số lượt nạn nhân đến cấp cứu, điều trị do tai nạn giao thông đường bộ là 2,74 triệu, trong đó số nạn nhân có liên quan đến rượu, bia hơn 425.000 lượt người.
Bộ Công an cho biết, việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe đang phát huy rất hiệu quả. Trong năm 2023, tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25% số vụ, giảm 50% số người chết và giảm 22% số người bị thương so với 2022.
Từ các lý do nêu trên, Bộ Công an cho rằng cần tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông để có chế tài xử lý nghiêm khắc. Sau khi ý thức, văn hóa giao thông hình thành tốt, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.
Minh Đức