Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 4h ngày 25/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm lại có khả năng đổi hướng Đông Nam mỗi giờ đi được 5-10km, sau có khả năng đổi hướng Đông, cường độ có suy yếu dần.
Dự báo tác động của bão: Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12, sóng biển cao 5,0-7,0m, vùng gần tâm bão 7,0-9,0m; biển động rất mạnh.
Theo nhận định của các chuyên gia, đây sẽ là cơn bão có đường đi phức tạp nhất từ đầu mùa do sự chi phối của hai yếu tố là hệ thống không khí lạnh và sự tương tác của cơn bão hình thành ngoài khơi Philippines.
Hiện nay, các mô hình tính toán, dự báo trên thế giới cho ra nhiều kết quả khác nhau về đường đi và cường độ của bão Trà Mi.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, dự báo trong hai ngày 25-26/10, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây với vận tốc khoảng 15km/h và tiếp tục mạnh lên.
Đến khoảng 19h ngày 26/10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 210km về phía đông bắc với cường độ mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Đây cũng là lúc bão đạt cường độ mạnh nhất.
Sau ngày 26/10, khi tiến dần vào vùng biển khu vực Trung Bộ, bão số 6 sẽ di chuyển dị thường. Cơ quan khí tượng Việt Nam nhận định, bão có thể di chuyển chậm lại, giảm cấp và đổi hướng trong khoảng thời gian này, khả năng đổ bộ vào đất liền còn chưa rõ ràng, cần phải theo dõi tiếp.
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ có thể xảy ra trên đất liền các khu vực Trung Bộ do ảnh hưởng của bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức theo dõi sát, cập nhật thông tin dự báo và tình hình bão, mưa, lũ để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" theo chức năng, nhiệm vụ được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Thông tin kịp thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, lũ, tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, đảo. Tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven biển; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp. Sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, cửa sông, ven biển.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp...
Đối với khu vực miền núi, rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ...
Thiên Trường