Huyện Lục Nam (Bắc Giang) có nhiều thế mạnh để phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Vì vậy, những năm gần đây, UBND huyện đã quan tâm xây dựng các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm) nhằm khai thác tốt lợi thế sẵn có của từng địa phương. Nhờ vậy, chất lượng, mẫu mã nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ lực của huyện được cải thiện rõ rệt, khẳng định thương hiệu trên thị trường. Điển hình trong đó là sản phẩm dứa Bảo Sơn.
Dứa là một trong những loại quả phổ biến trong đời sống hàng ngày và dứa tại huyện Lục Nam nổi tiếng bởi mẫu mã đẹp, màu vàng tươi, quả to đều, có vị ngọt sắc và thơm mùi đặc trưng. Tại huyện Lục Nam, dứa được tập trung nhiều ở xã Bảo Sơn, thời điểm thu hoạch rộ là từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm.
Năm 2021, xã Bảo Sơn đã đẩy mạnh duy trì và mở rộng mô hình trồng dứa theo chất lượng chuẩn VietGAP với diện tích 35 ha tại thôn Đồng Cống, Huê Vận 2, tăng 20 ha so với cùng kỳ năm 2020, diện tích dứa trồng năm 2020 cho thu hoạch năm 2021 là 170 ha, ước tính năm 2021 giá bình quân ở mức cao từ 6.000đ - 7.000 đ/kg, năng suất ước đạt trên từ 30-35 tấn/ha, tổng sản lượng dứa ước đạt trên 5.000 tấn.
Vì vậy, sản phẩm dứa Bảo Sơn đã đạt tiêu Chuẩn OCOP hạng 3 sao tại Thôn Đồng Cống xã Bảo Sơn, do UBND tỉnh Bắc Giang Công nhận theo Quyết định số 191/QĐ-UBND ngày 26/08/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang.
Ngoài ra, kết thúc năm 2021, tổng diện tích gieo trồng tại xã Bảo Sơn là 1.310 ha đạt 100% kế hoạch năm. Về phát triển cây ăn quả, diện tích vải thiều trên địa bàn xã là 160 ha. Năm 2021 năng suất vải thiều ước đạt 1,2 tấn/ 1ha và sản lượng ước đạt 174 tấn tăng 78 tấn so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Chu Văn Hợp – Phó Chủ tịch xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam cho biết: “Vụ sang năm 2021 tháng Hai và tháng Ba hơn 170 ha dứa thu hoạch, mỗi ha đạt từ 30 đến 35 tấn. Giá giao động từ 6.000 đồng – 12.000 đồng/kg tuỳ thuộc thời điểm. Thời điểm dứa ngon nhất là tháng Ba, Tư âm hằng năm”.
Ngoài việc thu hoạch rộ từ tháng Tư đến tháng Sáu trong năm, dứa còn được trồng rải vụ và thu hoạch trong 07 tháng. Việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cụ thể là sản xuất dứa đã hạn chế được sự lãng phí về tài nguyên đất, nước do tính ưu việt của các công nghệ như công nghệ sinh học, công nghệ gen, công nghệ sản xuất phân hữu cơ và tự động hóa sản xuất…
Gia đình anh Nguyễn Cao Minh cho biết, gia đình anh trồng dứa từ năm 2001 đến năm 2017 thì tham gia hợp tác xã dứa. Hiện tại, gia đình có 1,5 ha đất trồng dứa, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 40 – 50 tấn dứa. Việc trồng dứa đã mang lại kinh tế ổn định cho bà con nông dân trên địa bàn xã. Sau khi trừ hết các chi phí cũng thu về khoảng 200 – 300 triệu đồng cho một hộ gia đình có diện tích trồng dứa từ 1 ha trở lên.
Được biết, tháng 11 năm 2014, dứa Lục Nam được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Nhằm nâng cao giá trị từ cây dứa, UBND huyện Lục Nam đã tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn đầu tư xây dựng vùng dứa theo tiêu chuẩn VietGAP, nhất là vùng dứa VietGAP Bảo Sơn để nâng cao giá trị sản xuất, đưa cây dứa trở thành một loại cây trồng thế mạnh của địa phương.
Ngoài sản phẩm dứa, nghề nấu rượu tại xã Bảo Sơn cũng đang được quan tâm đầu tư, phát triển để góp phần lớn vào việc gia tăng lợi ích kinh tế cho bà con trên địa bàn xã. Hệ thống cơ sở sản xuất sạch sẽ, thoáng mát cùng với trang thiết bị nồi nấu rượu hiện đại, máy lọc nước RO, máy lão hóa khử độc tố rượu theo tiêu chuẩn USA (loại bỏ Methanol, aldehyt, furuol,...) Nguyên liệu đầu vào là gạo nếp cái hoa vàng chọn lọc ủ men bắc chuẩn vị. Tất cả sản xuất hoàn toàn thủ công mang đến đến cho người uống những giọt rượu tinh túy nhất và an toàn. Đặc biệt, sản phẩm rượu Bảo Sơn đã đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao.
Về kế hoạch trong năm 2022, toàn xã đạt chỉ tiêu tổng diện tích gieo trồng là 1.200 ha, trong đó diện tích trồng lúa đạt 800 ha, diện tích cây màu là 400 ha. Diện tích cây dứa duy trì 170 ha, sản lượng đạt từ 5.000-5.500 tấn và phát triển mở rộng diện tích các loại cây dược liệu cây ăn quả khác. Ngoài ra, xã Bảo Sơn cũng đang đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến và phát triển để cây ổi đạt chứng nhận OCOP chất lượng cao.
Nhờ chú trọng đến chất lượng, giá trị của các sản phẩm OCOP tại Bảo Sơn trong thời gian qua đã tăng gấp 2 đến 3 lần so với trước đó. Hy vọng rằng, với những giải pháp đã đề ra, trong thời gian tới, các sản phẩm OCOP của Bảo Sơn sẽ ngày càng được nâng cao chất lượng và khẳng định thương hiệu riêng trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Tâm An - Trang Nguyễn