THCL - Chiều 18/3, trong khuôn khổ Hội báo Toàn quốc 2017, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ phát động hiến tặng hiện vật Bảo tàng Báo chí Việt Nam lần thứ 6. Gần 1.400 hiện vật, tư liệu quý, độc đáo đã được trao tặng cho Bảo tàng.
Nhà báo, nhạc sỹ Dân Huyền trao tặng hiện vật cho Bảo tàng
Tham gia Hội báo Toàn quốc 2017 gồm nhiều đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; các nhà báo tiêu biểu cho các thế hệ; các gia đình nhà báo tại nhiều vùng miền trong cả nước. Trong đó có 58 tập thể và cá nhân đã đóng góp tại lễ hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng báo chí Việt Nam khoảng 1.400 hiện vật quý.
Các tư liệu được trao tặng lần này rất đa dạng gồm các phương tiện tác nghiệp như, máy ảnh, máy quay phim, những tờ báo từ hàng chục năm trước đã được các nhà báo lão thành, các cơ quan báo chí lưu giữ.
Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, công việc xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam là tâm huyết của nhiều nhiệm kỳ Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam.
Ngày 21/8/2014, Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt và được bổ sung vào hệ thống bảo tàng quốc gia.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam là bảo tàng của tất cả các thế hệ nhà báo Việt Nam, của nhân dân. Hơn 2 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã nỗ lực sưu tầm, triển khai 05 cuộc phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, miền Trung Tây Nguyên và đây là lần thứ 6. Tổng hiện vật đã tiếp nhận tính đến thời điểm này đã gần 1.400 tư liệu quý.
Báo chí góp phần trực tiếp và to lớn trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc; làm tốt vai trò người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể và phản biện xã hội, thúc đẩy dân chủ, tiến bộ xã hội...
Hai cuộc kháng chiến đã hình thành một đội ngũ nhà báo – chiến sỹ luôn có mặt ở những điểm nóng bỏng nhất của tiền tuyến cũng như hậu phương. Hàng trăm nhà báo đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, trong khi đang tác nghiệp.
Trong vùng tạm chiếm đóng của địch, các nhà báo, tờ báo tiến bộ cũng đã có những đóng góp hết sức xứng đáng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lịch sử báo chí Việt Nam là một lịch sử hết sức vẻ vang, cần được lưu giữ mãi cho đời sau.
Nhà báo chiến trường Nguyễn Trần Thiết trao tặng máy ảnh cho Bảo tàng
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Trần Thiết, một trong những người đầu tiên phỏng vấn Tổng thống Dương Văn Minh ngay sau khi chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện đã trao tặng một số sách, tập lưu báo cắt dán, một số tư liệu ảnh và chiếc máy ảnh là phần thưởng giải Nhất một cuộc thi báo chí cho loạt bài điều tra vụ án tên gián điệp Võ Đại Tôn trên báo Quân đội Nhân dân.
Đây cũng chính là những thông điệp thiêng liêng từ quá khứ, là lời kêu gọi, nhắc nhở các thế hệ làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha anh, xây đắp truyền thống của báo chí nước nhà. Các kỷ vật này không chỉ giúp làm giàu kho tư liệu của Bảo tàng Báo chí Việt Nam mà còn góp phần quan trọng làm nên sức sống, sự sinh động, phong phú cho bảo tàng.
Trước đó, bên lề Hội báo toàn quốc 2017, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã tổ chức buổi giao lưu “Báo chí truyền thông với những vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội” (vấn đề y tế, giáo dục, môi trường…).
Nguyễn Kiên