Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã khái quát: Sau khi trang Vân Đồn được vua Lý Anh Tông (1009-1225) khai mở năm 1149, Vân Đồn đã trở thành một thương cảng quốc tế quan trọng của đất nước với một hệ thống các bến cảng, điểm kiểm soát tàu thuyền, hàng hoá, thu thuế và căn cứ phòng vệ...
Vân Đồn đã trở thành một thực thể phát triển tương đối hoàn chỉnh và hoạt động liên tục trong gần 7 thế kỷ, tức là từ thế kỷ 12 cho đến cuối thế kỷ 18.
Là một thương cảng lớn, hoạt động liên tục, Vân Đồn có vai trò kinh tế, chính trị hết sức quan trọng với sự nghiệp phát triển, thiết lập và mở rộng các mối quan hệ, bang giao của quốc gia Đại Việt.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã cùng thảo luận, đánh giá giá trị toàn diện của Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn (các vấn đề về cảnh quan và môi trường, lịch sử, giao thương hàng hải, giao lưu kinh tế, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, các vấn đề liên quan đến con đường giao thương hàng hải, kinh tế biển, quân sự...). Qua đó, xác định các tiềm năng phát triển của địa phương gắn với các giá trị di sản, góp phần phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung.
Khởi đầu của Thương cảng Vân Đồn gắn với sự kiện “Trang Vân Đồn” được vua Lý Anh Tông (1009-1225) khai mở năm 1149. Kể từ đó, Vân Đồn đã trở thành một thương cảng quốc tế quan trọng của đất nước với một hệ thống các bến cảng, điểm kiểm soát tàu thuyền, hàng hoá, thu thuế và căn cứ phòng vệ.
Mặt khác, hội thảo cũng đánh giá toàn diện về vị trí, vai trò, quy mô, ý nghĩa, giá trị của quần thể di tích thương cảng Vân Đồn qua các thời kỳ lịch sử; bổ sung căn cứ khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích lịch sử thương cảng Vân Đồn đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Kết quả chuyên môn của hội thảo khoa học sẽ góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa tiêu biểu của Quảng Ninh; đồng thời tiếp tục làm sáng tỏ các luận cứ khoa học, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cho công tác quy hoạch, xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển của Quảng Ninh.
Không những thế, kết quả của hội thảo còn có giá trị quan trọng, thiết thực đối với việc lập hồ sơ quần thể di tích thương cảng Vân Đồn và đối với việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Vân Đồn.
PV