BCĐ 389: Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn diễn biến phức tạp - Hình 1

Theo đó, trên tuyến đường bộ, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới xảy ra chủ yếu tại khu vực biên giới ở các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.

Đáng chú ý, tuyến biên giới địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa có dấu hiệu giảm, nhiều mặt hàng trước đây thường vận chuyển trái phép qua biên giới, nay cơ bản đã được mở tờ khai nhập khẩu tại các cửa khẩu như: quần áo, hàng tiêu dùng…

Tuyến biên giới Tây Nam Bộ, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn còn phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là việc khó khăn trong xử lý hình sự nên hoạt động buôn lậu thuốc lá có sự gia tăng cả về quy mô, số lượng, phương thức hoạt động. Trước đây các đối tượng còn dè chừng vận chuyển với số lượng ít, chủ yếu bằng phương tiện xe gắn máy, hiện nay tình trạng vận chuyển bằng xe ô tô khách, xe tải, ghe tầu với số lượng lớn từ 10.000 - 40.000 bao thường xuyên xảy ra. Đối với mặt hàng đường, các đối tượng vẫn sử dụng phương thức dùng bao bì của các doanh nghiệp đường trong nước, đưa  sang biên giới Campuchia đóng gói, chờ đêm tối vận chuyển qua biên giới vào nội địa nước ta.

 Tuyến biển, của khẩu cảng biển, cảng sông quốc tế: Đây là tuyến đường có lưu lượng hàng hóa rất lớn, nên cũng là tuyến đường dễ bị các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa về Việt Nam. Địa bàn trọng điểm vẫn là khu vực cảng biển TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai; vùng biển Đông Bắc và Miền Trung.

 Các mặt hàng chủ yếu là xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã; rác thải, phế liệu, thiết bị điện tử, điện lạnh, gia dụng đã qua sử dụng; hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, gia súc, gia cầm, đường cát, thuốc lá, hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng,...

Đối tượng là thuyền trưởng, thuyền viên tàu viễn dương, kể cả tàu nội địa thường xuyên ra vào cảng và tàu thuyền hoạt động kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hoá trên tuyến biển; khách du lịch XNC theo đường biển, cư dân giáp biên thường qua lại bằng xuồng gắn động cơ, ghe máy...

 Tuyến cảng hàng không, bưu điện quốc tế, mặt hàng vi phạm tập trung chủ yếu là các hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như: vũ khí; ma túy; vàng; các sản phẩm động vật hoang dã nằm trong danh mục CITES như: sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê; điện thoại; thuốc lá; rượu; mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc lá ngoại, xì gà...

Địa bàn trọng điểm: Sân bay quốc tế Nội Bài; Sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; Bưu điện Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh; điểm chuyển phát nhanh DHL, Fedex.... Đối tượng trọng điểm:  Phi công, tiếp viên hàng không, doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu tuyến hàng không có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, bưu điện, hành khách xuất nhập cảnh nhiều lần không rõ mục đích chuyến đi. Cá nhân hoặc tổ chức có gửi hàng bưu phẩm, bưu kiện qua đường bưu điện không rõ mục đích sử dụng, không có giấy tờ hàng hóa chứng minh tính hợp pháp của hàng ký gửi khi làm thủ tục Hải quan hoặc thường xuyên nhận quà biếu với số lượng lớn.

Trong nội địa tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng; vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,… chủ yếu là đối với nhóm các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao, như: rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá điếu, sản phẩm công nghệ, quần, áo, giầy, dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,...

Đáng chú ý, cơ quan chức năng đã phát hiện trên địa bàn một số tỉnh như: Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, TP.HCM, Lâm Đồng, Cần Thơ,… nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu  kém chất lượng, kết quả giám định cho chỉ số Octan (Ron) trong xăng pha chế thấp (có vụ dưới 70% chỉ số theo qui chuẩn kỹ thuật); nguồn gốc dung môi để pha chế xăng kém chất lượng chủ yếu từ Cần Thơ, TP.HCM…; thủ đoạn pha chế từ 25 - 30% chất dung môi vào xăng qui chuẩn để ra loại xăng mới có chỉ số Ron thấp; hợp đồng mua bán chất dung môi được ghi chất dung môi Solmix không được dùng cho động cơ đốt trong hoặc pha chế xăng, gây hậu quả đối với môi trường, an ninh năng lượng và quyền lợi của người tiêu dùng.

Hưng Khánh