65 năm bốc thuốc cứu người miễn phí
65 năm qua, chùa Hưng Quang, hay còn có tên gọi khác là chùa Phước Thiện, tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ (phường 1, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre), luôn tấp lập người lui tới để được các lương y trong chùa khám chữa bệnh, châm cứu, tập vật lý trị liệu và bốc thuốc miễn phí.
Quang cảnh chùa Hưng Quang
Cư sĩ Diệu Không (thế danh là Nguyễn Thị Thu, 55 tuổi) – Trụ trì chùa Hưng Quang cho biết, ngôi chùa này được Cư sĩ Giác Viện (thế danh Trần Văn Mẫn) sáng lập từ năm 1952. Ngay sau khi xây dựng xong, vị trụ trì đã bắt tay vào công việc bốc thuốc cứu người vì ông vốn là người có kiến thức về y thuật.
Phòng thuốc đông y do Cư sĩ Giác Viện phụ trách ngày càng được nhiều người biết đến vì có nhiều người khỏi bệnh mà không cần tốn kém tiền của. Một người bệnh từng được Cư sĩ Giác Viện chữa khỏi bệnh chính là cô bé Nguyễn Thị Thu- người sau này kế nghiệp ông trụ trì ngôi chùa.
Sư cô Diệu Không cho biết, nếu ngày xưa bệnh nhân đến Phòng chẩn trị chủ yếu là bệnh nóng nhiệt, cảm thì bây giờ chủ yếu là gan, tai biến, ung thư, khớp. Do đó, nhân sự của Phòng cũng phải học thêm kiến thức mới để phục vụ người bệnh.
Cư sĩ Diệu Không đang thăm hỏi một người bệnh
Hiện nhà chùa có 2 cư sĩ có trình độ đại học lương y đa khoa. Cùng hơn 70 người khác có có kiến thức về đông y, tham gia cùng với nhà chùa một cách thường xuyên và luân phiên trong việc chặt phơi thuốc, khám chữa bệnh, bốc thuốc cho hàng trăm lượt bệnh nhân mỗi ngày. Điều đặc biệt là suốt 65 năm qua, nhà chùa bốc thuốc chữa bệnh hoàn toàn miễn phí. Chưa từng thu của bệnh nhân bất cứ một đồng tiền thuốc nào.
Mỗi năm dùng hết 20 tấn thuốc
Theo vị trụ trì, mỗi năm, chùa sử dụng hết 20 tấn thuốc với hàng trăm loại khác nhau. Lượng thuốc khá lớn nên chùa có hẳn một ban sưu tầm thuốc, gồm các thành viên ở nhiều nơi như: An Giang, Phú Quốc, Đồng Tháp…goài ra, chùa còn có vườn trồng thuốc nam ở huyện Châu Thành, Giồng Trôm do phật tử trông coi. Tuy nhiên, các loại: cam thảo, quế chi, đương qui, bạch chỉ, đãng sâm… khá hiếm nên chùa phải mua.
Trong chùa, cô Diệu Không cũng cho xây dựng một kho thuốc lớn, có thể chứa được hàng chục tấn thuốc. Mỗi loạn thuốc sau khi đưa về chùa đều được băm chặt, phơi khô, đóng gói, ghi rõ ngày đóng gói rồi bảo quản cẩn thận. Theo cô Diệu Không, bao nhiêu năm nay kho thuốc này chưa bao giờ hết thuốc mà chỉ có ngày càng mở rộng thêm.
Rất đông người đến khám bệnh tại chùa Hưng Quang
Đa số bệnh nhân đến khám đều lâm vào cảnh bế tắc, trị nhiều nơi không khỏi, hoặc bị tai biến, khiến sức tàn lực kiệt. Nhiều người đã bị bệnh viện trả về vẫn được nhà chùa chữa khỏi bệnh. Nhiều người sau khi khỏi bệnh đã xin ở lại chùa làm công quả để cảm tạ công ơn cứu mạng.
Điển hình như ông Nguyễn Văn Cúc -56 tuổi nhà ở TP Bến Tre vốn sinh ra trong gia đình nghèo khó, cha mẹ mất sớm, ông lại không có vợ con, sống bằng công việc bán vé số. Mấy năm trước ông bị cảm thương hàn, đã được nhiều bệnh viện điều trị nhưng bệnh không thuyên giảm. Sau đó ông Cúc được một số người đưa đến chùa Hưng Quang nhờ cô Diệu Không cứu giúp.
Cô Nguyễn Đoàn Duyên - một giáo viên về hưu, sau một lần bị đột quỵ, không thể đi đứng, cử động như bình thường. Cô đã đi trị ở nhiều nơi, cuối cùng dừng chân tại Phòng chẩn trị này và hàng ngày kiên trì tập vật lý trị liệu, châm cứu, sau gần 3 năm, sức khỏe của cô đã được hồi phục khoảng hoàn toàn, đi lại được bình thường. Cô rất vui và cảm động trước tấm lòng của các lương y và những người thiện nguyện tại chùa Hưng Quang.
Ngoài việc chữa bệnh cứu người, nhiều năm qua, Cư sĩ Diệu Không cùng các cư sĩ trong chùa còn tích cực tham gia các công việc thiện nguyện khác như đi thăm hỏi phát quà cho những người già leo đơn ở Trung tâm bảo trợ xã hội. Thăm hỏi các bệnh nhân ở bệnh viện tâm thần, trại trẻ mồ côi… Chùa Hưng Quang còn thường xuyên tổ chức phát gạo cho những người nghèo. Vận động quyên góp xây dựng được nhiều căn nhà tình thương cho bà con nghèo.
Công việc chữa bệnh cứu người, thiện nguyện giúp đời của Cư sĩ Diệu Không cùng các cư sĩ, Phật tử tại chùa Hưng Quang cũng được các cấp chính quyền địa phương hết sức ủng hộ. Cư sĩ Diệu Không đã được phong tặng rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cơ quan ban ngành từ Trung Ương tới địa phương. Nhưng theo vị trụ trì này thì bằng khen ý nghĩa nhất dành cho bà vẫn là sự tin tưởng của người bệnh khi ngày càng có nhiều người tới chùa khám chữa bệnh.
Hải Nam - Trịnh Uyên