Thời gian gần đây, bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) bùng phát và lây lan mạnh ở Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam. Theo các chuyên gia y tế, căn bệnh này có nguy cơ lây lan thành dịch, nhất là trong thời điểm học sinh vừa bước vào năm học mới.

Theo bác sĩ Lưu Quỳnh Anh, Phó trưởng Khoa Mắt (Bệnh viện Nhi trung ương), bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện vào mùa xuân - hè, dễ lây lan thành dịch. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, dịch đau mắt đỏ lại đang gia tăng bất thường, với nhiều trẻ bị mắc bệnh có biến chứng nguy hiểm. Trong một tháng trở lại đây, Khoa Mắt của bệnh viện đã tiếp nhận liên tiếp trên 50 bệnh nhi/ngày bị viêm kết mạc cấp, trong đó có tới 20% gặp biến chứng nặng.

Điều đáng quan tâm, thời điểm này bắt đầu bước vào năm học mới, nên nhà trường và phụ huynh cần lưu ý phòng tránh đau mắt đỏ cho trẻ. Bởi theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), từ ngày 28/8 - 31/8, bệnh viện đã thăm khám cho 188 trường hợp trẻ bị đau mắt đỏ, đa số đều trong độ tuổi đến đi học.

Theo Sở Y tế TP.HCM, từ đầu năm đến nay, số trường hợp đau mắt đỏ trên địa bàn TP.HCM là 71.740, trong đó, đáng lưu ý là số ca mắc trong những ngày gần đây có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm. Khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học, số còn lại là người lớn.

Cảnh báo bùng dịch đau mắt đỏ mùa tựu trường
Cảnh báo bùng dịch đau mắt đỏ mùa tựu trường

Sở Y tế TP.HCM cho biết, đau mắt đỏ có nhiều nguyên nhân khác nhau, đáng lo ngại nhất là do virus vì có thể lây lan trong cộng đồng. Trước tình hình số ca đau mắt đỏ có dấu hiệu tăng, ngành y tế đã phối hợp với đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) để xác định chính xác tác nhân gây bệnh.

Cơ quan này cũng đã có văn bản gửi Sở GD&ĐT TP.HCM để chủ động tăng cường phát hiện, hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh cách phát hiện và phòng bệnh đau mắt đỏ.

Trong trường hợp đau mắt đỏ do virus Adeno, người bệnh có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính khó mở mí mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm… Khi đó, bệnh cũng dễ lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp. Người bệnh nên nghỉ ở nhà từ 5-7 ngày, hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan cho người khác. Chỉ định nghỉ học hay nghỉ làm phải do bác sĩ quyết định.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, đau mắt đỏ là bệnh dễ lây lan nhưng phụ huynh có thể chủ động phòng ngừa cho trẻ được bằng cách hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) để rửa mắt khi đi bên ngoài về. Khi có dấu hiệu của bệnh cần đến cơ sở y tế để sớm được thăm khám.

Đối với những người mắc bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ Tuyết khuyến cáo, tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với mọi người xung quanh, đeo khẩu trang khi nói chuyện và hạn chế đến nơi đông người. Luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay, dùng riêng khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối. Khi khỏi bệnh phải rửa sạch kính của mình bằng xà phòng để tránh tái nhiễm lại.

Bác sĩ Phùng Thị Thúy Hằng, Phó trưởng Khoa Mắt (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, người bị bệnh đau mắt đỏ thường có các biểu hiện như ngứa mắt, cộm đỏ, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều gỉ ở mắt. Để điều trị đau mắt đỏ, khi có các biểu hiện trên, người bệnh nên đến các cơ sở nhãn khoa khám để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.

Các chuyên gia y tế lưu ý, những phương pháp dân gian như xông nước thuốc, nhỏ chanh, đắp lá nha đam hay đắp lá trầu không… để điều trị đau mắt đỏ có thể khiến mắt sưng phù, bỏng. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cần đi khám chuyên khoa mắt và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

“Tuyệt đối không sử dụng các loại lá cây để đắp hoặc xông mắt vì ít có tác dụng và có thể gây ra những tổn thương cho mắt như: bỏng do nhiệt hoặc tinh dầu. Hơn nữa, một số loài nấm và vi khuẩn ở lá cây có thể xâm nhập qua vết xước giác mạc gây viêm loét giác mạc, khi đó việc điều trị rất khó khăn, di chứng để lại là sẹo giác mạc gây nhìn mờ vĩnh viễn, thậm chí một số trường hợp nặng phải khoét bỏ mắt”, bác sĩ Phùng Thị Thúy Hằng nói.

Thiên Trường