Bệnh nhân đau lưng 2 năm nay, đã điều trị nội khoa nhiều nơi không đỡ, đau từng đợt, đau liên tục từ lưng lan xuống mặt ngoài đùi đến bắp chân phải. Gần đây đau tăng, có dấu hiệu teo cơ cẳng chân phải. Bệnh nhân đã tiêm ngoài màng cứng nhưng vẫn còn đau nhiều.
Đến khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp, bệnh nhân được các bác sĩ xác định không dấu hiệu mất vững cột sống, hội chứng đau rễ thắt lưng 4 phải, Lassegue P 700, tăng cảm giác nông chân trái, cơ lực chân 4/5, có dấu hiệu teo cơ cẳng chân trái nhẹ, không rối loạn cơ tròn. Kết quả chụp XQ hẹp lỗ liên hợp phải, chụp CT hình ảnh thoái hóa gai xương diện khớp trên thắt lưng 5 làm hẹp nhẹ lỗ liên hợp phải, không trượt cột sống. Chụp MRI kết quả thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng 4/5 trung tâm lệch phải độ 2, rách dây chằng dọc sau, hẹp nhẹ lỗ liên hợp thắt lưng 4/5 phải gây chèn ép rễ ngang mức. Dây chằng dọc sau bình thường. Diện khớp thắt lưng 4/5 bình thường. Thoát vị nhẹ thắt lưng 5/S1 không chèn ép rễ ngang mức. Các xét nghiệm khác trong giới hạn bình thường.
Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp chẩn đoán bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng 4/5 phải và hẹp lỗ liên hợp thắt lưng 4/5, tiến hành nội soi tạo hình lỗ liên hợp thắt lưng 4/5 và lấy nhân thoát vị qua nghách bên.
Đây là phương pháp hiện đại, mới được triển khai và rất thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, được phối hợp thực hiện bởi bác sĩ chuyên gia đến từ thành phố Hồ Chí Minh.
Thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ rạch một vết mổ nhỏ có đường kính bằng kích thước cây bút bi để đưa dụng cụ nội soi vào, tiếp cận trực tiếp với cột sống bị thoát vị đĩa đệm. Sau đó tách bỏ nhân đĩa đệm ra khỏi rễ thần kinh, tủy sống.
Phương pháp điều trị này được đánh giá là an toàn và ít biến chứng. Những triệu chứng và cơn đau do thoát vị sẽ biến mất sau phẫu thuật. Bệnh nhân có thể đi lại bình thường trong 1 ngày, nếu không có bất thường, người bệnh có thể xuất viện. Thời gian phục hồi hoàn toàn là 6 tuần. 1 - 2 tuần đầu, người bệnh không nên vận động mạnh, thực hiện các chuyển động cúi gập người, hoặc có tác động lực lớn lên cột sống. Từ tuần 2 - 4, người bệnh có thể vận động nhẹ nhàng và tập vật lý trị liệu theo giáo án của kỹ thuật viên.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi khoang giữa các đốt sống. Các nhân nhầy này tích tụ lâu ngày sẽ hình thành nhân thoát vị, chèn ép lên rễ thần kinh – nguyên nhân trực tiếp gây ra cơn đau đặc hiệu.
Thoát vị đĩa đệm đa phần xảy ra tại cột sống thắt lưng hoặc cột sống cổ. Cơn đau sẽ lan rộng xuống các bộ phận thuộc nhóm cơ mặt sau, các nhóm cơ do rễ thần kinh bị nhân nhầy chèn ép chi phối.
Phẫu thuật lấy thoát vị đĩa đệm cột sống được chỉ định cho những trường hợp: Thoát vị đĩa đệm có biến chứng thần kinh như yếu liệt vận động, rối loạn đại tiểu tiện; thoát vị đĩa đệm có các triệu chứng teo cơ, tê bì, dị cảm; người bệnh bị rối loạn chức năng bàng quang; không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn trước đó như điều trị nội khoa, vật lý trị liệu; thoát vị đĩa đệm kèm theo các bệnh lý cột sống khác như trượt đốt sống, hẹp ống sống...
Phẫu thuật lấy thoát vị đĩa đệm cột sống có 3 kỹ thuật chủ yếu là: phẫu thuật mở truyền thống, phẫu thuật vi phẫu qua hệ thống ống nong và phẫu thuật nội soi.
Đây là các phương pháp can thiệp nhằm loại bỏ khối thoát vị, giúp giải phóng rễ thần kinh đang bị chèn ép. Từ đó, loại bỏ được cơn đau và các triệu chứng lâm sàng tình trạng chèn ép rễ thần kinh gây nên.
Trong đó, phương pháp nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống là phương pháp điều trị ít xâm lấn cho người bệnh thoát vị đĩa đệm mức độ nặng với những ưu điểm như tỷ lệ thành công cao, thời gian hồi phục nhanh chóng và ít gây đau đớn.
Tuy nhiên, phương pháp này được bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thần kinh chỉ định thực hiện trong trường hợp nội soi lấy thoát vị đĩa đệm cột sống bao gồm: Thoát vị đĩa đệm gây ra các biến chứng khác như rối loạn cảm giác, rối loạn chức năng bàng quang, suy giảm khả năng vận động, đi lại; triệu chứng bệnh kéo dài hơn 3 tháng và các phương pháp điều trị nội khoa không làm thuyên giảm được; người bệnh có những cơn đau nặng bất thường, hoặc có các triệu chứng bất thường khác.
Quỳnh Nga (t/h)