Thực phẩm dành cho chó mèo nhập khẩu nhưng không được ghi tiếng Việt gây khó khăn cho cơ quan chức năng, người tiêu dùng khi kiểm tra kiểm soát, sử dụng sản phẩm.
Thực phẩm dành cho chó mèo nhập khẩu nhưng không được ghi tiếng Việt gây khó khăn cho cơ quan chức năng, người tiêu dùng khi kiểm tra kiểm soát, sử dụng sản phẩm

Được thành lập vào năm 2004 với cái tên phòng khám thú y PetHealth. Sau 19 năm đi vào hoạt động, đến nay, hệ thống Bệnh viện Thú Y PetHealth đã có 26 chi nhánh hoạt động trải dài khắp các tỉnh, thành từ Bắc vào Nam.

Giới thiệu trên website với những lời có cánh vô cùng ấn tượng như: “Bệnh viện thú Y PetHelth mong muốn được chung vai gánh vác, chia sẻ gánh nặng với xã hội trong việc điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe cho các thú cưng. Chúng tôi hướng tới việc cung cấp dịch vụ khám và điều trị bệnh toàn diện đạt chuẩn quốc tế với đội ngũ bác sĩ giỏi.

Với quy trình khám chữa bệnh tiêu chuẩn quốc tế tập trung vào việc phát triển đa khoa phục vụ cho thú cưng cùng tiêu chí bảo vệ sức khoẻ cho toàn bộ thú cưng, đội ngũ bác sĩ chuyên môn giỏi đáp ứng được đào tạo chuyên sâu tại môi trường trong nước và quốc tế, chúng tôi chú trọng vào việc đầu tư trang bị y tế hiện đại đạt tiêu chuẩn Bộ Y Tế và hướng tới Bệnh Viện Thú Y chuẩn quy trình ISO”.

Tuy nhiên, trái với những lời giới thiệu ấn tượng trên thì tại rất nhiều chi nhánh thuộc hệ thống Bệnh viện Thú Y PetHealth bày bán nhiều sản phẩm dành cho thú cưng không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định.

Dầu tắm dành cho chó không có nhãn phụ tiếng Việt
Dầu tắm dành cho chó không có nhãn phụ tiếng Việt

Khảo sát tại chi nhánh Cầu Giấy có địa chỉ 455 đường Nguyễn Khang, Cầu Giấy (Hà Nội), thì tại đây có rất nhiều sản phẩm có chữ nước ngoài được bày bán như bình sữa, thức ăn, sữa tắm, thuốc xịt… tuy nhiên, những sản phẩm này lại không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định. Qua quan sát, các sản phẩm như Pet Pottle, Mini led naid Clipper, Slleky, thuốc xịt Bioline bên ngoài vỏ hộp đều là chữ viết nước ngoài như Nhật, Thái Lan, Anh nhưng không hề được dán nhãn phụ tiếng Việt.

Không chỉ có cơ sở ở Nguyễn Khang mà tại chi nhánh Thái Nguyên, chi nhánh Từ Sơn (Bắc Ninh), chi nhánh Thanh Hóa cũng bán rất nhiều những sản phẩm dành cho thú cưng như viên bổ sung caxi cho chó, thực phẩm dành cho chó mèo, đồ dùng dành cho thú cưng cũng không hề được những cơ sở này dán tem nhãn phụ theo quy định.

Sản phẩm bày bán ở chi nhánh Thái Nguyên cũng không thực hiện theo quy định về nhãn hàng hóa
Sản phẩm bày bán ở chi nhánh Thái Nguyên cũng không thực hiện theo quy định về nhãn hàng hóa

Trong quá trình tác nghiệp thực hiện bài viết, phóng viên nhận được phản ánh của anh Nguyễn Tăng H, ở phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa. Theo phản ánh của anh H, anh có đưa mèo đến điều trị tại Bệnh viện Thú Y PetHealth có chi nhánh ở Thanh Hóa nhưng trong quá trình điều trị thì mèo nhà anh bị chết không rõ nguyên nhân.

Sau khi nhận thông tin từ Bệnh viện Thú Y PetHealth về việc mèo chết, ngày 23/11/2023, anh H đã đến ngay chi nhánh tại Thanh Hóa có địa chỉ số 43, Đại lộ Lê Lợi yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của mèo nhà mình. Theo anh H, bản thân một bác sĩ hoạt động trong lĩnh vực y tế lâu năm nên khi đến chi nhánh này, anh thấy máy siêu âm hỏng không chạy được, siêu âm mèo không có kết quả, xét nghiệm thì không thực hiện tại chi nhánh mà mang đi cơ sở khác, phòng mổ không đạt tiêu chuẩn, máy Xquang chưa có giấy phép và đặc biệt luộc dụng cụ bằng nồi cơm điện.

Hệ thống Bệnh viện Thú Y PetHealth - Chi nhánh Thanh Hóa bị phản ánh không đủ điều kiện hoạt động
Hệ thống Bệnh viện Thú Y PetHealth - Chi nhánh Thanh Hóa bị phản ánh không đủ điều kiện hoạt động

“Tôi thấy cơ sở này không đủ điều kiện để hoạt động và mèo nhà tôi chết có thể là do sốc nhiễm khuẩn trong quá trình phẫu thuật. Với điều kiện phòng mổ và trang thiết bị tại cơ sở này, thì tôi thấy không đảm bảo về vấn đề tiệt trùng”, anh H cho biết.

Hiện nay, số lượng người nuôi thú cưng đang không ngừng gia tăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Tp. Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… Từ đó, kéo theo dịch vụ khám chữa bệnh cho thú cưng đang trở thành một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh trong những năm gần đây. Chính vì lẽ đó, đề nghị các ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ các cơ sở khám, chữa bệnh cho thú y, đặc biệt là các cơ sở, chi nhánh thuộc hệ thống Bệnh viện Thú Y PetHealth. Kiểm tra những cơ sở này có được cấp phép hoạt động hay không, người phụ trách kỹ thuật cơ sở phẫu thuật, khám bệnh, chẩn đoán bệnh, xét nghiệm có bằng đại học chuyên ngành thú y không? Bên cạnh đó, cần kiểm tra thuốc điều trị, thực phẩm, sản phẩm dành cho thú y có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng hay không? Có như vậy, người tiêu dùng mới không rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”.

Ngọc Linh - Đoàn Huế