THCL Việt Nam là một trong 5 nước đang và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trung bình mỗi năm thiệt hại về kinh tế do thiên tai trên 1 tỷ USD.

Biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất và đời sống của hàng triệu người

Đó là khẳng định của Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTTN) Trần Quang Hoài tại Hội thảo “Hành động vì biến đổi khí hậu: Phụ nữ là người nắm giữ giải pháp" tổ chức ngày 5/9 tại trụ sở LHQ.

Theo đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rất có thể sẽ làm chậm tiến độ thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ ở Việt Nam. Lụt bão, hạn hán ngày càng nhiều hơn tác động đến sinh kế của người nghèo, đồng thời mực nước biển tăng sẽ ảnh hưởng đến các đồng bằng là nơi sản xuất lúa gạo của Việt Nam và vì vậy sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

“Trước đây, mỗi năm Việt Nam có 500 người chết mất tích do thiên tai. 5 năm trở lại đây, đã giảm được số người chết và mất tích còn 223 người, nhưng thiệt hại về kinh tế do thiên tai vẫn trên 1 tỷ USD mỗi năm”, ông Hoài cho hay.

Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên-Môi trường) cũng cho rằng, thiên tai trong những năm gần đây diễn ra ngày càng nhiều và theo chiều hướng gia tăng.

Đơn cử, tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, từ đầu năm 2016 đến nay, tình trạng hạn hán, xâm ngập mặn nghiêm trọng đã và đang gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa lớn đến sản xuất và đời sống của hàng triệu người dân.

Theo ông Tuệ: “Biến đổi khí hậu là vấn đề mới ở Việt Nam nhưng rõ ràng đã làm gia tăng các hiện tượng thiên tai, đòi hỏi phải có sự ứng phó liên ngành, liên lĩnh vực”.

Cũng theo nhận định của LHQ, với phần lớn dân số hiện đang sinh sống tại các lưu vực sông trũng và thấp, các vùng bờ biển, dự kiến có hơn 70% dân số Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Bà Mary Robinson, đặc phái viên của LHQ về El Nino và khí hậu khẳng định, Việt Nam là quốc gia đã bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu và sẽ còn tiếp tục chịu tác động, tổn thương bởi biến đổi khí hậu, thiên tai.

“Chỉ trong năm nay đã cho thấy, Việt Nam đang chịu tần suất gia tăng về thiên tai, đặc biệt là hạn mặn ở các tỉnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu hiện nay, không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước sẽ phải thường xuyên đối mặt với thiên tai, các hiện tượng khí hậu cực đoan trong thời gian tới”, bà Mary Robinson cảnh báo.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, cần  thực hiện hiệu quả chiến lược về biến đổi khí hậu với các mục tiêu dài hạn trong cả 2 lĩnh vực thích ứng và giảm thiểu khí thải nhà kính; đưa những quan tâm về biến đổi khí hậu vào kế hoạch của cả khu vực công và khu vực tư nhân; tăng cường quy hoạch không gian đô thị và nông thôn, có tính đến tác động của biến đổi khí hậu.  Cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng quy mô lớn, bao gồm mở rộng đê điều, rừng ngập mặn, chắn bão, hồ chứa lớn để trữ nước ngọt...

Ngoài ra, các ý kiến cho rằng, cần đưa phụ nữ vào trọng tâm của các hoạt động về biến đổi khí hậu, tạo điều kiện để phụ nữ đóng vai trò chủ chốt trong những nỗ lực nhằm ứng phó với thảm họa và biến đổi khí hậu.

Phan Chinh