Kể từ hội nghị Breton Wood đến nay, đôla Mỹ (USD) vẫn đang là đồng tiền thống trị trong giao dịch thương mại toàn cầu. Hệ thống giao dịch quốc tế SWIFT là định chế đặc biệt củng cố vai trò của đồng tiền này. 

Ảnh internet.
Biến động hệ thống tiền tệ thế giới ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam? Ảnh internet.

Khi Mỹ loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT đã thúc đẩy Nga liên kết với các cường quốc kinh tế mới nổi để hình thành các hệ thống thanh toán quốc tế mới, nơi mà không có đồng USD ngự trị, và hình thành nên xu hướng phi đô la hóa trên toàn thế giới. Nhóm BRICS+ với 10 thành viên tham gia hiện tại và dự kiến sẽ tiếp tục kết nạp thêm các thành viên mới đang trở thành một đối trọng kinh tế, tài chính với Mỹ và các nước đồng minh.

Nhóm các cường quốc mới nổi với sự phát triển vượt bậc về kinh tế đang dần chứng tỏ vai trò và tầm ảnh hưởng của mình đối với kinh tế thế giới. 

Chiến tranh thương mại đã nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc từ năm 2018 và đến nay vẫn còn âm ỉ. Một cuộc chiến tiền tệ nhiều khả năng sẽ nổ ra trong thời gian tới khi mà nhóm BRICS công bố về hệ thống thanh toán quốc tế mới thay cho SWIFT và đồng USD.

Mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ đánh thuế 100% lên nhóm này nếu họ làm điều đó. Đây có thể là một cuộc chiến không tiếng súng nhưng sẽ gây ra rất nhiều thương vong về mặt kinh tế và tài chính bởi sự đối đầu không khoan nhượng của các thế lực đang mong muốn kiểm soát tiền tệ thế giới.

Hội nghị BRICS mở rộng vừa qua có sự tham gia của đông đảo các quốc gia trên thế giới. BRICS chưa công bố về một đồng tiền chung và hệ thống BRICS pay vẫn còn khá chung chung, nhưng nội dung của hội nghị đã chứng minh rằng việc công bố hệ thống BRICS pay để làm đối trọng với hệ thống SWIFT chỉ còn là vấn đề thời gian. Việc có ra được đồng tiền chung BRICS hay không thì còn tùy thuộc vào việc giải quyết các bất đồng giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong khi khả năng 2 cường quốc này tìm được tiếng nói chung là mong manh. Thực tế cho thấy, Ấn Độ cũng không quá vội vã phải cần có một đồng tiền thay thế đồng USD khi mà quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ vẫn đang tốt như hiện nay.

Ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào? Hiện nay, Việt Nam đang nhập siêu chủ lực từ Trung Quốc và xuất siêu kỷ lục sang Mỹ, hai đối tác chiến lược lớn nhất của Việt Nam về thương mại hiện nay. 

Xu hướng phi đô la hóa sẽ khiến cho Việt Nam phải lựa chọn: (i) tiếp tục duy trì chính sách dùng USD là đồng tiền giao dịch chủ yếu trong thương mại hay (ii) tham gia vào hệ thống BRICS pay và từ bỏ dần đồng USD trong giao dịch thanh toán quốc tế; hoặc xa hơn là tham gia vào một đồng tiền chung BRICS với sự đảm bảo bằng vàng hay dựa trên các yếu tố về thương mại, cán cân thanh toán để phát hành đồng tiền chung.

Biến động hệ thống tiền tệ thế giới ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam? Ảnh congandanang.vn
Biến động hệ thống tiền tệ thế giới ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam? Ảnh congandanang.vn

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, đó sẽ là một lựa chọn tương đối khó khăn đối với chúng ta ở thời điểm hiện tại, bởi Mỹ đang là quốc gia nhập khẩu hàng hóa Việt Nam nhiều nhất và thặng dư thương mại của Việt Nam đối với Mỹ hàng năm lên đến hơn 100 tỷ USD, xếp thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc (khoảng 400 tỷ USD) và Mexico (khoảng 130 tỷ USD). Do đó, việc Việt Nam quá nghiêng về xu hướng phi đô la hóa sẽ không thực sự thích hợp trong bối cảnh hiện tại khi mà Mỹ đang là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. Với cách tiếp cận và xử lý vấn đề quốc tế một cách dứt khoát, thậm chí cực đoan của Tổng thống Trump sắp tới, chúng ta sẽ dễ gặp rủi ro hơn khi mà thị trường Mỹ đang là thị trường lớn nhất của Việt Nam hiện nay và xuất khẩu lại là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. 

Để đảm bảo Việt Nam vẫn tham gia và hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu trong xu thế mới nhưng không làm ảnh hưởng quá nhiều đến mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ cũng như các nước đồng minh, đòi hỏi chúng ta cần duy trì lập trường đa phương hóa như hiện nay, cũng như có một sự linh hoạt nhất định trong chính sách tiền tệ và thương mại quốc tế trong thời gian tới.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân nêu các giải pháp gồm:

Một là, vẫn phải giữ được mối quan hệ vốn có với Mỹ cũng như tiếp tục phát triển mối quan hệ trên để phát huy tiềm năng của hai quốc gia. Đặc biệt, chúng ta cần nhập khẩu nhiều hàng hóa của Mỹ hơn trong tương lai nếu như không muốn bị rủi ro về thao túng tiền tệ hay các vụ kiện chống bán phá giá, điều này cũng sẽ tạo tiền đề để Mỹ có thể công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Hai là, Việt Nam vẫn tham gia sâu rộng hợp tác đa phương với các nước, các tổ chức kinh tế trên thế giới, trong đó có BRICS, nhưng luôn phải giữ lập trường đa phương trong chính sách kinh tế đối ngoại như hiện nay, tránh việc quá ngả về một bên mà gây ảnh hưởng đến bên còn lại trong bối cảnh trật tự thế giới mới vẫn đang rất phức tạp và khó đoán như hiện nay. Âm thầm, uyển chuyển, linh hoạt sẽ là những thuật ngữ cần thiết trong quan hệ đa phương.

Ba là, Việt Nam cần củng cố nội lực của nền kinh tế, tập trung phát triển ngành công nghiệp trong nước để có thể chủ động hơn và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là ở các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, việc hệ thống tiền tệ thế giới thay đổi từ đơn cực sang đa cực trong thời gian tới đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải có sự chuẩn bị nhất định cho các kịch bản và tác động của chúng đến chính sách tiền tệ và các biến số vĩ mô của Việt Nam.

Thay vì trước đây chúng ta chỉ cần quan tâm đến đồng USD là chủ yếu và đánh giá tác động các chính sách tiền tệ của Mỹ, thì bây giờ với hệ thống thanh toán có thể đa phương hơn và nhiều loại tiền tệ hơn, đòi hỏi chúng ta phải có những nghiên cứu đủ sâu rộng và chuẩn bị cho những kịch bản có thể xảy ra trong thời đại tiền tệ mới.

Một hệ thống tiền tệ đa phương cũng đòi hỏi các nhà kinh tế tiền tệ phải xây dựng những mô hình lý thuyết mới để làm chỉ dẫn cho các nhà hoạch định chính sách trong việc điều hành chính sách tiền tệ, cũng như cần thiết phải có các công cụ của chính sách tiền tệ mới để đáp ứng nhu cầu của sự thay đổi trong mô hình hệ thống tiền tệ thế giới.

Bốn là, sự hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu để xây dựng một cơ chế điều hành và dự báo tiền tệ và vĩ mô theo các mô hình mới phù hợp với tình hình thực tế diễn ra.

PV (t/h)