Từ năm 2016, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo Luật BHXH.
Trước đó số nợ BHXH, BHYT chiếm tỷ lệ tương đối cao so với tổng số phải thu theo kế hoạch được Chính phủ giao, cụ thể: Chiếm 4,86% (năm 2014); 3,74% (năm 2015). Từ năm 2016, số nợ đã giảm dần, tương ứng với 2,7% (năm 2016), 2,2% (năm 2017), 1,7% (năm 2018) và 1,6% (năm 2019). Riêng năm 2020, tỷ lệ nợ chiếm 3,35% tổng số phải thu, nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch COV-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến nợ BHXH gia tăng.
Ảnh minh họa trên Internet.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra BHXH Việt Nam đã phát hiện, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị truy đóng 664,1 tỷ đồng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN với 240.245 người được tham gia và thụ hưởng quyền lợi an sinh xã hội; thu hồi về Quỹ BHXH số tiền 50,4 tỷ đồng tiền hưởng chế độ BHXH không đúng quy định; thu hồi về Quỹ BHYT số tiền 828,4 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT không đúng quy định; chưa chấp nhận thanh toán về khám chữa bệnh BHYT số tiền là 169,9 tỷ đồng. Đơn vị sử dụng lao động giảm 22,8% thời gian làm việc của đoàn thanh tra, kiểm tra và 49,6% thời gian làm việc của đối tượng được thanh tra kiểm tra.
Theo đánh giá của lãnh đạo ngành bảo hiểm thì tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT vẫn đang có diễn biến phức tạp với chiều hướng gia tăng. Các hành vi vi phạm do ý thức chủ quan nên ngày càng tinh vi, đa dạng, có sự biến tướng, có nhiều người tham gia thực hiện. Vì khó khăn, nhiều công nhân, người lao động đã bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố sổ BHXH. Họ bị các đối tượng lợi dụng, dụ dỗ, nhất là nữ công nhân, đưa tiền để đăng ký BHXH được hưởng chế độ thai sản. Nhiều nữ công nhân bị lừa hàng chục triệu đồng vì sự thiếu hiểu biết của mình. Mất tiền, khi sinh con, không được hưởng chế độ thai sản như các đối tượng đã hứa.
Ảnh minh họa trên Internet.
Cũng qua công tác thanh, kiểm tra, BHXH Việt Nam phát hiện nhiều doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức nhất là đơn vị nửa sự nghiệp, nửa kinh doanh như nghiên cứu khoa học và có chức năng làm kinh tế, đã không thực hiện đúng Luật Bảo hiểm về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Trong lĩnh vực BHYT nhiều trường hợp sử dụng thẻ BHYT không đúng quy định, thông đồng với nhân viên y tế làm giả hồ sơ để trục lợi Quỹ BHYT; lập hồ sơ bệnh án nhưng không có người bệnh; kê tăng số lượng, thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh nhưng thực tế người bệnh không sử dụng; không đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT, thu tiền của người bệnh đối với chi phí thuốc, vật tư y tế đã có trong cơ cấu giá ngày giường điều trị, công khám bệnh, dịch vụ kỹ thuật…
Q.N (t/h)