Hội thảo “Tìm giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030”, do Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VTCT) Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức.
Tham dự Hội thảo, có các vị: PGS. TS. Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT (Bộ VH-TT&DL); Lâm Hải Giang, Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; TS. Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Liên đoàn VTCT Việt Nam; cùng trên 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các võ sư trong và ngoài nước…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS. TS. Đặng Hà Việt đã nêu bật mục đích, ý nghĩa của Hội thảo “Tìm giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030”, đồng thời, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Bình Định trong việc bảo tồn, phát huy truyền thống VCT Việt Nam, VCT Bình Định nói riêng, cũng như những cố gắng của tỉnh trong công tác tổ chức Liên hoan Quốc tế VCT Việt Nam lần thứ VIII-2023…
Đồng thời, ông Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của VCT Việt Nam, nhất là những hạn chế trong công tác truyền thông, quảng bá tinh hoa VCT dân tộc ra thế giới…
Thay mặt UBND tỉnh Bình Định, ông Lâm Hải Giang cảm ơn Bộ VH-TT&DL, Liên đoàn VTCT Việt Nam đã tin tưởng lựa chọn Quy Nhơn để đăng cai tổ chức Hội thảo “Tìm giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030”, đồng thời cho biết: Bình Định là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và tinh thần thượng võ. Mảnh đất này từng được mệnh danh là “Miền Đất Võ”.
Theo đó, toàn tỉnh hiện có 185 võ đường, câu lạc bộ võ thuật với trên 12.000 võ sinh tham gia luyện tập thường xuyên. Vận động viên Nguyễn Thị Hằng Nga của Bình Định liên tiếp đạt HCV môn Võ thuật tại 3 kỳ SEAGAME 30, 31 và 32. Đáng lưu ý, Bình Định là địa phương tiên phong tổ chức Liên hoan Quốc tế VCT ViệtNam từ năm 2006, với định kỳ 3 năm 1 lần để các võ sư,
võ sĩ, võ sinh và những người đam mê, yêu võ thuật cổ truyền Việt Nam hội tụ về “Miền Đất Võ"”học hỏi, giao lưu, nhằm góp phần cùng với cả nước để Võ cổ truyền Việt Nam tỏa sáng và vươn xa.
Riêng về Hội thảo, ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định: Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của VCT Việt Nam, kể cả trước mắt và lâu dài. Hội thảo sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực và khả thi nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển Võ cổ truyền Việt Nam trong thời gian tới đến, góp phần để VCT Việt Nam tiếp tục tỏa sáng và vươn xa….
Đáng lưu ý, thay mặt Ban tổ chức, TS Nguyễn Ngọc Anh đã trình bày Báo cáo kết quả “Bảo tồn và phát triển VCT Việt Nam giai đoạn 2021-2022, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2030”.
Báo cáo cho biết: Từ lâu, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bảo tồn, phát triểnVCT Việt Nam. Tháng 5/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP giao Tổng cục TDTT phối hợp với Liên đoàn VTCT Việt Nam xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển VCT Việt Nam đến năm 2030”.
Kết quả, Đề án đã xây dựng được khá nhiều chương trình, kế hoạch, như:
Bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của VCT Việt Nam; Xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội nghề nghiệp về VCT Việt Nam ở trong và ngoài nước; Phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong nước và các nước trên thế giới về vị trí, vai trò của môn VCT Việt Nam; Xây dựng tài liệu và phát triển phong trào tập luyện môn VCT Việt Nam cho mọi đối tượng; Tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ huấn luyện viên, trọng tài, giám định, giám khảo môn VCT Việt Nam; Hệ thống giải thi đấu VCT; Hợp tác quốc tế, quảng bá tinh hoa VCT Việt Nam ra các nước trong khu vực, châu lục và thế giới…
Về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển VCT Việt Nam đến năm 2030, Báo cáo xác định:
Bảo tồn, giữ gìn tinh hoa VCT Việt Nam; Phát triển mạnh mẽ phong trào VCT Việt Nam trong mọi đối tượng (trước hết là trong thanh thiếu niên, học sinh sinh viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang); Tiếp tục phát triển mạnh VCT Việt Nam ra các nước trên thế giới…; Phấn đấu có 80%-90% tỉnh, thành phố thành lập Liên đoàn/Hiệp hội VTCT Việt Nam; Phấn đấu đạt từ 60%-80% số trường học,80%-95% số đơn vị LLVT có Câu lạc bộ VCT Việt Nam; Phát triển mạnh VCT trong khu vực Đông Nam Á để vận động đưa VCT Việt Nam vào Đại hội thể thao học sinh, sinh viên khu vực Đông Nam Á và SEA Games…
Tiếp đó, Hội thảo đã chia nhóm để bàn thảo, trao đổi về các nhóm giải pháp, gồm: Chính sách và nhiệm vụ bảo tồn, phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030; Tuyên truyền, quảng bá và hợp tác quốc tế về võ cổ truyền Việt Nam; Xây dựng và nâng cao chất lượng phong trào võ cổ truyền Việt Nam; Nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật môn võ cổ truyền và hiệu quả hoạt động của Liên đoàn/Hội Võ thuật cổ truyền…
Theo kế hoạch, Hội thảo “Tìm giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030” sẽ kết thúc vào ngày 4/8/2023.
Viết Hiền