Buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2024 do UBND tỉnh Bình Định tổ chức. Ông Lâm Hải Giang, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chủ trì buổi họp báo.
Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; phóng viên, biên tập viên các cơ quan truyền thông, báo chí Trung ương và địa phương…
Theo báo cáo của UBND tỉnh tại buổi họp báo cho biết: Năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng phát triển trong thời gian sắp đến. Để phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 đã đề ra, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phân giao chi tiết chỉ tiêu kế hoạch đến các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố và định hướng cụ thể đến cấp xã…
Đồng thời, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện năm 2024. Trong đó, tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp và xây dựng; thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ; đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển du lịch; tập trung thu hút đầu tư, huy động vốn cho đầu tư phát triển…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh xác định: Tiếp tục đổi mới về tư duy, nhận thức, quan điểm chỉ đạo, điều hành xử lý công việc theo tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, coi người dân, DN là đối tác và khách hàng của hệ thống dịch vụ công. Nâng cao tính chủ động, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, điều hành xử lý công việc; kịp thời rà soát, tìm ra những “điểm nghẽn”, “rào cản” trong thực hiện nhiệm vụ ở từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện ở các sở, ban, ngành, địa phương và kịp thời ban hành các văn bản để chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra…
Nhờ đó, tình hình KT-XH của tỉnh Bình Định 9 tháng đầu năm 2024 duy trì được sự ổn định và phục hồi, phát triển. Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của Bình Định tăng 7,53% so với cùng kỳ năm 2023 (xếp vị trí thứ 25/63 tỉnh, thành phố trên cả nước; thứ 05/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 1/5 tỉnh, thành phố thuộc Tiểu vùng Trung Trung bộ). Trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,97%; công nghiệp và xây dựng tăng 10,94% (riêng công nghiệp tăng 12,32%; xây dựng tăng 8,11%); dịch vụ tăng 8,11%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,15%...
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2024 đạt 9.504,2 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ; luỹ kế 9 tháng năm 2024 đạt 88.494,8 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 194,5 triệu USD, tăng 20% so cùng kỳ; luỹ kế 9 tháng năm 2024 giá trị đạt 1.644 triệu USD, tăng 13,3% so cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu đạt 1.315 triệu USD, đạt 79,7% so kế hoạch năm và tăng 16,7%. Hàng hoá thông qua cảng biển tại địa phương 9 tháng đầu năm 2024, đạt ạt 11.141,1 nghìn TTQ, tăng 25,8%. Tổng lượt khách du lịch đạt 8.097.160 lượt, tăng 87,5% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 147% so với kế hoạch năm 2024. Tổng thu du lịch đạt 22.794,6 tỷ đồng, tăng 56,9%.
Về hoạt động tài chính, tín dụng, số dư huy động tại địa phương đến 30/9/2024 là 109.900 tỷ đồng, tăng 5,3% so với 31/12/2023 và tăng 9,6% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ cho vay là 108.000 tỷ đồng, tăng 4,2% so với 31/12/2023 và tăng 8,8% so với cùng kỳ; nợ xấu đến 30/9/2024 chiếm tỷ lệ khoảng 0,8%/tổng dư nợ. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 10.354,4 tỷ đồng, đạt 69% dự toán năm và tăng 25,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế) là 4.970,3 tỷ đồng, đạt 62,1% dự toán năm, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Riêng thu tiền sử dụng đất đạt 4.538,7 tỷ đồng, đạt 74,3% dự toán năm, tăng 53%; thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu là 548,5 tỷ đồng, đạt 121,9% dự toán năm, tăng 71,1% so với cùng kỳ..
Về đầu tư phát triển, tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Định 9 tháng năm 2024đạt 33.690,4 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó: Vốn khu vực Nhà nước là 11.272,4 tỷ đồng, giảm 3,2%; khu vực ngoài Nhà nước là 21.324,5 tỷ đồng, tăng 15,4%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 1.093,5 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đến 30/9/2024 là 5.737,6 tỷ đồng.
So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (7.865,6 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 72,95%; so với Kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao (9.467,6 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 60,6% kế hoạch vốn. Trong đó, giải ngân nguồn vốn ngân sách địa phương là 58,51%, trong đó từ nguồn thu tiền sử dụng đất là 58,17%. Ngoài ra, giá trị giải ngân một số nguồn vốn khác như sau: Vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu là 66,78%; nguồn tăng thu năm 2022 là 74,35%; vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia là 58,4%; Vốn nước ngoài (ODA) là 89,32% kế hoạch năm. So với cùng kỳ, giá trị giải ngân cao hơn 95,8 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân cao hơn 2,04%...
Về nhiệm vụ trọng tâm Qúy IV-2024, UBND tỉnh Bình Định xác định: Phấn đấu thực hiện 11 nội dung, trong đó có những nội dung trọng tâm, như:
- Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, thủy sản, phấn đấu tăng trưởng cả năm của ngành đạt kế hoạch. Tập trung triển khai thực hiện các đề án phát triển nông nghiệp đã được phê duyệt, trong đó chú trọng thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với nông thôn mới. Tiếp tục mời gọi đầu tư, xây dựng các Nhà máy chế biến gia súc, gia cầm; Nhà máy chế biến thực phẩm, nông sản, lâm sản; Nhà máy chế biến thủy sản (tôm, cá, cá ngừ đại dương…), góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo theo quy định (IUU); đồng thời, chuẩn bị chu đáo nội dung làm việc với Đoàn Thanh tra Ủy ban Châu Âu lần thứ 5.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP). Tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; tiếp tục kiểm tra và có biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác đất, đá, cát... trái phép. Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và khu dân cư.
- Tăng cường gặp gỡ, đối thoại với DN, nắm bắt được tình hình sản xuất kinh doanh, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và kiến nghị của DN để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án lớn sớm hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo ra giá trị mới về sản xuất công nghiệp năm 2024. Đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp (CCN) tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng và nâng cao hiệu quả hoạt động các CCN, tạo điều kiện mặt bằng thuận lợi trong thu hút đầu tư, nhất là các CCN đang đầu tư xây dựng dở dang. Tích cực xúc tiến thu hút đầu tư, mời gọi các DN đầu tư lấp đầy các CCN trên địa bàn; đồng thời, tổ chức làm việc với chủ đầu tư các CCN trên địa bàn, yêu cầu các đơn vị thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác quản lý đô thị, trật tự và chất lượng xây dựng trên địa bàn tỉnh.
- Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Kịp thời theo dõi, nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN được tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ của Nhà nước về miễn, giảm, giãn thuế, phí, tiền thuê đất, tiếp cận nguồn vốn vay, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch trong mùa thấp điểm. Đôn đốc các DN đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng chủ lực của tỉnh và các mặt hàng đang có thị trường tiêu thụ. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến đầu tư về du lịch gắn với đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa phương Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh...
- Tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu, đôn đốc thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế; hỗ trợ DN được hưởng tối đa các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, qua đó góp phần thúc đẩy DN phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững từ phát sinh kinh tế của tỉnh. Kịp thời điều chỉnh kịch bản thu, chi ngân sách nhà nước cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tích cực kêu gọi các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc, triển khai các công trình, dự án trọng điểm, các công trình đã bố trí kế hoạch vốn năm 2024.
Tập trung tháo gỡ dứt điểm khó khăn về cung ứng vật liệu thi công, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư, lựa chọn nhà thầu các dự án, công trình trọng điểm, các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Tăng cường giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, phấu đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn Hội đồng nhân dân tỉnh giao...
Cũng tại buổi họp báo, ông Lâm Hải Giang đã thẳng thắn trả lời hàu hết những câu hỏi của phóng viên các cơ quan truyền thông, báo chí Trung ương, địa phương...
Viết Hiền
-
-