Đoàn công tác tỉnh Bình Định do ông Hồ Quốc Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định dẫn đầu đến CHLB Đức thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư. Cùng tham gia Đoàn công tác còn có các vị: Nguyễn Tự Công Hoàng, Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Lê Hoàng Nghi, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở KH&ĐT Bình Định; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh…
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bình Định, ngay sau khi đặt chân đến CHLB Đức, Đoàn công tác tỉnh Bình Định đã có buổi làm việc với Tập đoàn PNE (CHLB Đức) và tham quan trang trại điện gió ngoài khơi, nhà máy điện gió trên bờ của Tập đoàn PNE..
Theo lãnh đạo Tập đoàn PNE, cùng với Vương quốc Anh, CHLB Đức là 1 trong 2 cường quốc hàng đầu về phát triển điện gió ngoài khơi. Theo đó, từ năm 2009, trang trại điện gió đầu tiên của CHLB Đức được xây dựng với tên gọi “Alpha Ventus”. Đây là trang trại điện gió nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của CHLB Đức. Trang trại này chính thức đi vào hoạt động từ tháng 04/2010.
Theo thiết kế, trang trại điện gió ngoài khơi này có tổng công suất 60 megawatt (MW) với 12 tuabin gió vận hành tại một khu vực thử nghiệm. Kết quả, riêng năm 2012, trang trại này cung cấp 286 triệu kilowatt giờ.
Điều đáng ghi nhận, đến cuối năm 2022, tại CHLB Đức đã có 28 trang trại điện gió ngoài khơi vận hành toàn bộ công suất. Phần lớn các nhà máy nằm ở biển Bắc, số còn lại nằm ở biển Baltic. Theo thống kê, đến cuối năm 2022, các trang trại điện gió ngoài khơi hiện nay ở CHLB Đức có tổng công suất lắp đặt khoảng 8,1 gigawatt (GW) trong tổng số khoảng 28,4 GW toàn châu Âu.Với kết quả này, CHLB Đức trở thành cường quốc ở châu Âu về lĩnh vực phát triển trang trại điện gió...
Đặc biệt, theo lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định, đợt xúc tiến đầu tư của Đoàn công tác tỉnh Bình Định tại CHLB Đức lần này, Bình Định sẽ giới thiệu hình ảnh và các thông tin về tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bình Định; giới thiệu môi trường đầu tư và cơ chế chính sách thu hút đầu tư tại tỉnh Bình Định; các lĩnh vực, ngành nghề mà Bình Định đang ưu tiên thu hút và hỗ trợ đầu tư; giá thuê đất, chính sách miễn giảm tiền thuê đất; nguồn lao động; dòng vốn cung ứng cho các doanh nghiệp… khi đầu tư vào khu kinh tế và các khu công nghiệp, nhất là Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định…
Đồng thời, Đoàn công tác tỉnh Bình Định sẽ làm việc với Tập đoàn PNE (CHLB Đức) và tham quan trang trại điện gió ngoài khơi, nhà máy điện gió trên bờ của Tập đoàn PNE. Mục đích của Đoàn công tác là để nắm bắt thông tin nhằm phục vụ cho công tác triển khai thực hiện dự án Trang trại điện gió ngoài khơi ở Bình Định.
Theo đó, dự án Trang trại điện gió ngoài khơi tỉnh Bình Định do Tập đoàn PNE (CHLB Đức) đề xuất có diện tích 96.470 ha với mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD. Dự án có tổng quy mô công suất 2.000 MW. Dự án được chia làm 3 giai đoạn đầu tư gồm: Giai đoạn thí điểm, công suất 700 MW, dự kiến vận hành năm 2025; giai đoạn mở rộng 1, công suất 700 MW, dự kiến vận hành năm 2026; giai đoạn mở rộng 2, công suất 600 MW, dự kiến vận hành năm 2027.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Đình, việc đề xuất của nhà đầu tư về dự án Trang trại diện giớ ngoài khơi tỉnh Bình Định phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý chủ trương cho Tập đoàn PNE được khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt cột đo gió, đánh giá tiềm năng gió trên một số khu vực biển thuộc địa bàn các huyện Phù Cát, Phù Mỹ. UBND tỉnh cũng đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Đáng lưu y, chủ trương đầu tư dự án Trang trại điện gió ngoài khơi tỉnh Bình Định đã được Bộ Công Thương đồng tình và ủng hộ…/.
Viết Hiền