Phát biểu tại buổi tổng kết tình hình kinh tế xã hội Bình Dương năm 2024, ông Võ Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, 2024 là một năm kinh tế khó khăn, tuy nhiên, Bình Dương vẫn nỗ lực phát triển và đạt được một số kết quả tích cực.
Cụ thể: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 7,48% (năm 2023 tăng 5,00%); GRDP bình quân đầu người đạt 181,2 triệu đồng; cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng là 64,93% - 25,08% - 2,73% - 7,26%”, ông Tuấn cho biết. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các ngành chủ lực phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,6% (năm 2023 tăng 6,1%); Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước tăng 13,3%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 12,7%; kim ngạch nhập khẩu đạt 24,5 tỷ USD, tăng 12,2% (vượt kế hoạch năm). Thặng dư thương mại đạt 10 tỷ USD.
Đáng chú ý, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 71.234 tỷ đồng, tăng 10% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 100% dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng chi cân đối ngân sách thực hiện 26.759 tỷ đồng, đạt 100% dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó ước thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đến cuối năm, đạt trên 105% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Về đầu tư, tỉnh Bình Dương tiếp tục thu hút trên 80 ngàn tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước và trên 2,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 73.600 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 807 ngàn tỷ đồng và 4.400 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 42,4 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 162 ngàn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023.
Diện tích các loại cây trồng và tổng đàn gia súc, gia cầm duy trì ổn định; ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh phát triển theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; Thực hiện tốt quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đầu tư một số công trình, dự án thủy lợi quan trọng; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chú trọng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khai thác và bảo vệ tài nguyên môi trường; ban hành và triển khai thực hiện Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí; đến nay toàn tỉnh 100% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 50% huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
“Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện nay các cấp, ngành đang tập trung triển khai nhiệm vụ thực hiện Quy hoạch tỉnh; tiếp tục triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Quốc lộ 13, Vành đai 3, Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh, Cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành,… trong năm đã khánh thành và đưa vào sử dụng tuyến đường Tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, cầu Bạch Đằng 2 kết nối giao thông với các tỉnh lân cận, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh”, ông Tuấn nói.
Sông Trường