![](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2022/11/03/tdth-1667446447.jpg)
Theo đó, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, tháng 10/2022 có 4 nhóm tăng giá, 6 nhóm giảm giá và 1 nhóm giữ giá ổn định so với tháng trước.
Cụ thể, 4/11 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước gồm: Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,08%, chủ yếu tăng giá nhà ở thuê vì vào đầu năm học mới nhu cầu thuê nhà tăng; đồ uống và thuốc lá tăng 0,06% so với tháng trước do giá nguyên liệu đang ở mức cao; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% do thời tiết giao mùa virus gây bệnh sinh sôi, tăng các bệnh về hô hấp.
Đồng thời, 6/11 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,01% so với tháng trước, chủ yếu do nguồn cung dồi dào, tiêu thụ giảm; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,02% do nhu cầu mua sắm giảm; bưu chính, viễn thông giảm 0,03% do doanh nghiệp đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi thu hút khách hàng; may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,08% do nhu cầu mua sắm quần áo cho học sinh giảm; văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,1%, chủ yếu ở nhóm văn hoá; giao thông giảm 2,3% do ảnh hưởng các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào các ngày 03/10, 11/10 và 21/10/2022.
Bên cạnh đó, đối với hàng lương thực - thực phẩm, chỉ số giá lương thực tháng 10/2022 tăng 0,15% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,20%, nguyên nhân là do giá gạo xuất khẩu, vật tư phân bón, nguyên liệu đầu vào cao. Chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 0,05% so với tháng trước.
Các mặt hàng giảm giá so với tháng trước là: Giá thịt gia súc giảm 0,01%, giá thủy sản tươi sống giảm 0,09% do nhu cầu tiêu dùng giảm; giá rau tươi, khô và chế biến giảm 0,13% so với tháng trước, do thời tiết thuận lợi năng suất tăng; nhóm quả tươi, chế biến giảm 0,33% so với tháng trước, chủ yếu ở các mặt hàng cam, quýt, chanh, xoài, bưởi, thanh long, do đang vào vụ thu hoạch nên giá giảm.
Ngoài ra, nhóm thực phẩm có các mặt hàng tăng giá như: Giá trứng các loại tăng 0,03% so với tháng trước, do giá thức ăn chăn nuôi tăng, nông dân ngại tái đàn khiến nguồn cung thiếu hụt.
Thuận Yến - Thùy Linh