Chính quyền chỉ đạo một đằng...
Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước, vụ điều năm 2016 - 2017, do thời tiết xấu, sâu bệnh hoành hành, nên hàng ngàn hộ dân trồng điều của tỉnh đã bị mất mùa. Trước tình hình đó, đầu năm 2018, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ nông dân trồng điều bị sâu bệnh hại niên vụ 2016-2017. Tổng kinh phí hỗ trợ cho nông dân của 10 huyện thị là 44,7 tỉ đồng, cho tổng diện tích vườn điều được hỗ trợ là 22.395,2 ha. Mức hỗ trợ bình quân là 2 triệu đồng/ha.
Quyết định của UBND tỉnh ghi rất rõ: “Hạng mục hỗ trợ: Thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc bảo vệ bông và trái non theo quy trình cho niên vụ 2017-2018”. Tuy nhiên, người dân lại không nhận được tiền hỗ trợ để đi mua thuốc mà thay vào đó lại nhận thuốc BVTV trị bệnh cho lúa về phun lên cây điều…
Một số loại thuốc trừ sâu, BVTV mà các xã đã phát cho dân phun lên vườn điều. Ảnh: Trần Oanh
Ông Hoàng Văn Thanh (thôn 9, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng) cho biết: “Hầu hết nông dân trồng điều đều nghèo, sống nhờ cây điều. Gần đây, nghe tỉnh hỗ trợ kinh phí cho người trồng điều, chúng tôi rất mừng. Tuy nhiên, lên xã nhận kinh phí, thì cán bộ lại cấp thuốc trừ sâu”. Cụ thể, mỗi hộ được cấp 1 lít thuốc trừ sâu, 1 lít thuốc trị bệnh cho cây và 1 lít thuốc dưỡng cây.
Nhận thuốc về, nghe theo hướng dẫn từ cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, các hộ dân phun các loại thuốc kia lên vườn điều của từng gia đình. Ai ngờ, chỉ sau 5-7 ngày, bông điều cháy, giòn rụm; trái điều non chưa kịp lớn rụng hàng loạt. Hậu quả của việc phun thuốc trên là các hộ dân mất mùa điều.
“Những hộ khác không nhận hỗ trợ các loại thuốc trên thì vườn điều không bị ảnh hưởng, trúng mùa, bình quân thu hoạch hơn 1 tấn/ha. Còn hầu hết các hộ nhận thuốc hỗ trợ, nghe cán bộ khuyến nông tư vấn phun thuốc, thì trắng tay, thất mùa, chỉ thu hoạch được khoảng 200kg/ha. Nghiêm trọng hơn, sau phun thuốc, cây điều không ra được đọt để đâm chồi mới, cành lá trơ ra, nguy cơ cây bị khô, ảnh hưởng đến cả mùa vụ sau” - ông Bế Văn Tính (thôn 9) nói.
Ông Lô Văn Sang cho rằng: “Thuốc chúng tôi nhận tại UBND xã do Trung tâm Khuyến nông huyện Bù Đăng đưa về cấp phát. Có thể họ đã cấp sai loại thuốc, dẫn đến hậu quả thất mùa điều của dân”.
Cán bộ làm một nẻo?
Mới đây, qua kiểm tra, xác minh sự việc, Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước đã kết luận bước đầu các sai phạm trong “hỗ trợ người trồng điều” theo phản ánh của báo chí. Xác minh tại hộ ông Hoàng Văn Thanh (thôn 3, xã Thống Nhất) được biết: Gia đình ông Thanh có vườn điều 1,6ha, được hỗ trợ 4 chai thuốc...
Nghe theo tư vấn của cán bộ xã và khuyến nông, ông Thanh pha toàn bộ thuốc vào 4 phuy nước (800 lít) và phun lên 1,6ha điều. Kết quả ông Thanh mất mùa điều. Tương tự, hộ ông Chung Đức Thắng có 1,8ha điều, cũng được hỗ trợ 3 loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh, dưỡng trái.
Ông Thắng cũng pha 4 phuy nước và xịt... Vườn điều ông Thắng cũng mất mùa... Xác minh tại nhiều hộ khác, Sở NNPTNT cũng nhận thấy kết quả tương tự. Theo Sở NNPTNT, quyết định 247/QĐ-UBND ngày 30.1.2018 của UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ bình quân 2 triệu đồng/ha. Hạng mục hỗ trợ là thuốc BVTV, chăm sóc bảo vệ bông và trái non theo quy trình cho niên vụ 2017-2018.
Tuy nhiên, UBND huyện Bù Đăng phê duyệt hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại, theo bình quân từng hộ (500.000 đồng/hộ), mà không dựa vào diện tích điều thực tế của từng hộ, là chưa đúng với quyết định 247/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Phước (định mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha).
Đánh giá việc chính quyền xã mua thuốc BVTV về phát, tư vấn cho các hộ dân phun lên vườn điều; Sở NNPTNT cho rằng “nguyên nhân điều khô cháy bông và trái non, năng suất thấp... do xịt thuốc BVTV được hỗ trợ là chưa có cơ sở khoa học, vì chưa được kiểm chứng thực tế”.
Tuy nhiên, Sở NNPTNT lại kết luận việc các xã phát 2 loại thuốc Kasakiusa I30EW và Cadicone 200EC để xịt trên cây điều là “không đúng theo đối tượng cây trồng được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng tại VN (2 loại thuốc này chỉ đăng ký trên cây lúa) và không đúng theo hướng dẫn về phòng chống sâu, bệnh hại trên cây điều...”.
Sở NNPTNT làm việc với ông Huỳnh Giang - Trưởng trạm trồng trọt - BVTV huyện Bù Đăng. Ông Giang cho biết: Ngoài xã Thống Nhất và xã Nghĩa Bình, các hộ dân xã Đồng Nai, Thọ Sơn, Đoàn Kết cũng được hỗ trợ thuốc Kasakiusa I30EW. Tại xã Đường 10, đổi loại thuốc trên sang thuốc sâu Cadicone 200EC gây cháy bông và trái non trên cây điều...
Không chỉ 2 loại thuốc trên, tại một số xã khác của huyện Bù Đăng, người dân còn được cán bộ phát một số loại thuốc khác về để phun lên vườn điều gồm: Tovil 50SC (dùng chữa bệnh vàng rụng lá, rỉ sắt trên cây caosu và càphê), Pertox 5EC (thuốc trừ sâu, dùng diệt bọ trĩ, sâu cuốn lá và sâu đục thân trên cây lúa), Annongvin (dùng trị lem lém trên lúa, vàng lá, rỉ sắt, thán thư trên cây xoái, nấm trên cây cà phê”... Các loại thuốc trên hoàn toàn không có tính năng nào sử dụng cho cây điều.
Trong khi cán bộ Trạm Khuyến nông im lặng trước sự việc trên, ông Huỳnh Giang - Trưởng Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Bù Đăng - thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng tôi không hề biết vụ việc này. Trạm Khuyến nông tự ý làm, đưa thuốc từ dịch vụ khuyến nông về bán cho các xã mà không bàn bạc, thông qua tổ chống dịch bệnh của huyện - nhất là với Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, là cơ quan chuyên ngành quản lý thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, cán bộ khuyến nông đã cấp thuốc cho dân, rơi vào thuốc nằm ngoài danh mục cho phép, thuốc không được phun lên cây điều mà vẫn cứ cấp”.
Theo ông Giang, đó là thuốc “diệt sạch sâu rầy 130EC (chỉ dùng phun trừ sâu cuốn lá lúa); nếu phun lên cây điều thì bông điều, trái, lá cây điều sẽ chết khô ngay. Mới đây, ông Huỳnh Giang đã có báo cáo gửi Thường trực HĐND huyện Bù Đăng khẳng định: “Đơn vị dịch vụ khuyến nông đưa thuốc về bán cho các xã, thuốc không nằm trong danh mục và thuốc không được phun lên điều trong lúc cây điều ra bông, đậu trái. Nhưng đơn vị khuyến nông vẫn phổ biến, gây ảnh hưởng đến khô bông điều. Mặt khác, thuốc bán với giá quá cao, trong khi dân mua thuốc toàn hộ nghèo, là không phù hợp”.
Hải Đăng