Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân chính đẩy giá thành ô tô tại Việt Nam cao hơn các nước trong khư vực đó là chí phí sản xuất ô tô trong nước đang khá cao và chịu nhiều loại thuế, phí.
Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện giá sản xuất lắp ráp ô tô ở trong nước vẫn cao so với các quốc gia khác do dung lượng thị trường của Việt Nam còn nhỏ, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam chưa đủ các điều kiện về thị trường cũng như các yếu tố khác để phát triển.
Ngoài ra, Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh rất mạnh của các đối thủ khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và cả trong khu vực ASEAN.
Chịu nhiều loại thuế, phí khiến giá thành ô tô tại Việt Nam đắt đỏ
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện nay Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ khu vực và thế giới trong lĩnh vực công nghiệp ô tô.
Trước đó không lâu, Bộ Công Thương từng có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo đề ra các giải pháp cụ thể về chính sách thuế. Đặc biệt, Bộ Công Thương cho rằng cần duy trì thực hiện Nghị định 116, với lý do để quản lý nhập khẩu ô tô hợp lý trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và để phát triển ngành ô tô trong nước.
Cụ thể, đối với thuế giá trị gia tăng, Bộ Công Thương đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng trong vòng 3 tháng (không thực hiện hoàn thuế theo phương thức khấu trừ như hiện nay) đối với máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định.
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Công Thương muốn Bộ Tài chính không áp dụng đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đối với sản xuất, lắp ráp ô tô (để giảm giá thành xe), kiến nghị điều chỉnh nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dòng xe.
Với thuế nhập khẩu, Bộ Công Thương mong muốn được điều chỉnh theo nguyên tắc thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và nguyên phụ liệu phải nhỏ hơn thuế suất nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh hoặc ở mức sàn theo các cam kết quốc tế ở từng hiệp định thương mại tự do…
Ngọc Lan