Thứ nhất, toàn ngành, toàn cơ quan khẩn trương bắt tay vào các công việc chuyên môn mang tính thường nhật mà trọng tâm là hoàn tất ngay những việc tạm dừng do nghỉ Tết và những việc đã đến hạn phải hoàn thành theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và theo quy định của pháp luật.
Trong từng lĩnh vực phải chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình để kịp thời giải quyết hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc, ách tắc (về vấn đề lao động, thông quan, thủ tục hành chính, cấp phép…), giúp doanh nghiệp và người dân bắt tay ngay vào công việc, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực ngay sau kỳ nghỉ Tết; chủ động phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn, trọng điểm, có tính lan tỏa để sớm đi vào vận hành, tạo năng lực sản xuất mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành.
Thứ hai, đối với các đơn vị liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu như: Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất, Vụ Dầu khí và than, Cục điện lực, Cục Điều tiết Điện lực, Vụ thị trường trong nước, Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường… cần phải chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm chuỗi cung ứng vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu, lao động… với phương châm: Đầy đủ, kịp thời, thuận lợi, giá cả hợp lý, điều hành nhuần nhuyễn, không giật cục, bảo đảm cho quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước được diễn ra thông suốt.
Nếu như trước và trong Tết, chúng ta đã làm tốt việc cung ứng về hàng hóa vật tư, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản sản xuất, ngay sau Tết việc đó phải được tập trung và đề cao hơn. Theo đó, các đơn vị có chức năng phải chú trọng thực hiện thật tốt việc đảm bảo nguồn cung, nguyên vật liệu, dịch vụ thiết yếu. Bộ trưởng nhấn mạnh và giao nhiệm vụ cho lực lượng quản lý thị trường phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát, nhất là trong hoạt động kinh doanh xăng dầu phải bảo đảm nguồn cung liên tục, ổn định trong mọi tình huống, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau tết, không để xảy ra việc gián đoạn, đứt gãy nguồn cung.
Thứ ba, các đơn vị liên quan đến công tác quản lý nhà nước, nhất là việc xây dựng và tham mưu cho cấp thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật: Bộ trưởng yêu cầu cần tập trung nguồn lực để khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Nghị định, Thông tư trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2023 đã được ban hành, bảo đảm tiến độ, trình tự, thủ tục và chất lượng, đúng pháp luật, tránh chồng chéo, trái luật, xa rời thực tiễn; nhất là các văn bản có hạn ban hành trong quý I theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật. Vụ Pháp chế có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị của Bộ đôn đốc, giám sát việc thực hiện theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ một cách tốt nhất.
Thứ tư, đối các việc liên quan đến nội dung kiểm điểm của Ban cán sự đảng theo gợi ý của Trung ương và kiểm tra các dấu hiệu vi phạm trong nhiệm kỳ trước, các đơn vị liên quan cần khẩn trương xây dựng báo cáo giải trình và cung cấp đầy đủ tài liệu theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, đoàn công tác.
Thứ năm, các đơn vị được giao chủ trì xây dựng quy hoạch ngành Quốc gia thuộc trách nhiệm Bộ Công Thương (như Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch khoáng sản, Quy hoạch dự trữ xăng dầu….) cần khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan của các Bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Chính phủ để bổ sung, chỉnh sửa, sớm hoàn thành dự thảo quy hoạch, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng Hai năm 2023, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu kế hoạch đề ra.
Minh Anh (t/h)