Bỏ đặt máy chủ, nhưng yêu cầu Google, Facebook lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam - Hình 1

Hôm qua, trước khi Quốc hội thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt đã đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Về ý kiến đề nghị hợp nhất dự thảo luật này với Luật An toàn thông tin mạng, báo cáo nêu rõ là không khả thi, bởi vì phạm vi, mục đích ban hành hai luật này khác nhau. Do đó, việc ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết, nhất là trong tình hình hiện nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định.

Một trong những nội dung được chọn để giải trình là bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam, vấn đề gây tranh cãi không ngừng ngay từ khi dự thảo luật chưa lên bàn nghị sự của Quốc hội.

Đến thời điểm này, Uỷ ban Thường vụ cũng nhấn mạnh, nội dung này còn nhiều ý kiến khác nhau, một số vị đại sứ nước ngoài tại Việt Nam và một số tổ chức có ý kiến góp ý. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổ chức hội nghị để tọa đàm, trao đổi với các vị đại sứ, làm rõ các kiến nghị có liên quan. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, đồng thời tham khảo các quy định tương tự của pháp luật một số nước là thành viên của WTO, dự thảo luật đã được chỉnh lý.

Cụ thể, về yêu cầu đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam, tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo không quy định nội dung này trong dự thảo luật để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.

Nhưng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam và ghép với quy định tương tự đối với doanh nghiệp trong nước.

Theo báo cáo thì việc quy định như vậy sẽ có bốn thuận lợi.

Một là, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam. Bảo đảm tính khả thi khi phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam. ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, gián điệp trong và ngoài nước sử dụng không gian mạng.

Hai là, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, các Hiệp định cơ bản của WTO, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam, đồng thời, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay.

Ba là, tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khi kinh doanh vào Việt Nam, đảm bảo chủ quyền thanh toán, chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp này.

Bốn là, bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet tại Việt Nam hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam.

Một nội dung đáng chú ý khác được nêu tại báo cáo là trong dự thảo luật do Chính phủ trình có 27 nội dung liên quan đến lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, nhưng không có quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này.

Tại dự thảo mới nhất, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung một điều quy định về lực lượng bảo vệ an ninh mạng. Theo đó lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và lực lượng bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại các bộ, ngành, chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

BN