Là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng

Bình Định là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, phía Bắc giáp Quảng Ngãi, Nam giáp Phú Yên, Tây giáp Gia Lai, Đông giáp biển Đông. Toàn tỉnh có diện tích tự nhiên 6.071 km2. Tuyến biên giới biển của tỉnh có chiều dài trên 134 km, trong đó đường biên giới trên biển dài 115 km. Khu vực biên giới biển gồm 5 huyện, thị xã, thành phố với 33 xã, phường, 252 thôn, khu phố, trong đó có 106 thôn, khu phố giáp biển; số dân khá lớn (118.578 hộ/461.316 nhân khẩu) chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt, chế biến và nuôi trồng thủy sản.

Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 5.331 tàu cá; trong đó, gần 3.290 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, hoạt động trên ngư trường trải dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, tập trung nhiều ở khu vực giữa và Nam Biển Đông.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới biển; nhất là trong bối cảnh cả nước đặt mục tiêu tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật chống IUU cho ngư dân
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân

Theo đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã triển khai đồng bộ các biện pháp; phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giúp ngư dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, các quy định của Luật Thủy sản; thực hiện các biện pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Nhờ đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân được nâng lên; các vụ vi phạm pháp luật trong khai thác thủy sản trên biển, tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định giảm đáng kể; ngư dân yên tâm bám biển, phát triển kinh tế, đồng lòng, sát cánh cùng Bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cho biết, để có được kết quả đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã tổ chức quán triệt cho 100% cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nắm vững nội dung, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Uỷ ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng mà cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả.

 “Đơn vị đã chỉ đạo các Đồn, trạm biên phòng phối hợp chặt chẽ với ngành thủy sản và chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, thống kê nắm chắc số lượng tàu cá, nghề khai thác, vùng hoạt động, tổ chức phân loại tàu cá hoạt động tại địa phương, số thường xuyên di chuyển ngư trường, số tàu cá ở địa phương khác đến hành nghề, số tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để có biện pháp phối hợp quản lý, theo dõi, giám sát kết hợp với giáo dục, răn đe kịp thời, hiệu quả.

Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định
Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định

Chỉ đạo các Đồn, trạm kiểm soát biên phòng kiểm tra, kiểm soát, đăng ký xuất, nhập tàu cá, thuyền viên ra vào bến, cửa sông, cửa biển, bãi ngang một cách chặt chẽ, đúng quy định. Kiên quyết không cho tàu cá không có giấy phép khai thác thủy sản, tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm và không đảm bảo an toàn theo quy định xuất bến đi khai thác”, Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh cho biết.

Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển kết hợp với việc theo dõi, truy cập dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá tại các trạm bờ để phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm vượt ranh giới, mất tín hiệu giám sát hành trình và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng làm tốt công tác nắm tình hình, xây dựng kế hoạch theo dõi, giám sát, đấu tranh, ngăn chặn với các hành vi môi giới đưa tàu cá, ngư dân ra vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép. Đối với chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức thu thập đầy đủ chứng cứ, hoàn chỉnh hồ sơ tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định, tạo được tính giáo dục, răn đe cao.

Do đó, số tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài trong 10 tháng đầu năm 2023 đã giảm một cách rõ rệt. Kết quả trên cũng đã được Đoàn thanh tra lần thứ tư của Ủy ban Châu âu thực hiện tại Bình Định trong tháng 10/2023 ghi nhận và đánh giá cao.

Chung tay cùng ngư dân gỡ thẻ vàng IUU

Theo Đại tá Trần Văn Dũng, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, đặc biệt là công tác phòng, chống khai thác IUU, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các đơn vị tích cực đổi mới nội dung, hình thức.

Cụ thể, tổ chức lựa chọn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thực sự có đầy đủ năng lực, tinh thần trách nhiệm; nắm vững các quy định về công tác phòng, chống khai thác IUU, kỹ năng truyền đạt, thuyết phục để người dân nghe được, hiểu được và tự giác chấp hành.

Đại tá Trần Văn Dũng, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định
Đại tá Trần Văn Dũng, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định

Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên rà soát nắm chắc tình hình đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, phong tục tập quán của người dân trên địa bàn. Trên cơ sở đó đánh giá đúng nhu cầu và khả năng tiếp thu các văn bản quy pháp luật của từng đối tượng để xây dựng phương pháp, hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến cho phù hợp, đạt hiệu quả.

Hình thức tuyên truyền luôn được đổi mới một cách đa dạng, phong phú; nội dung tuyên truyền ngắn gọn, súc tích, tập trung vào những quy định cốt lõi của các văn bản pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, đảm bảo người dân dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện; thông qua việc tuyên truyền để làm cho người dân thấy được lợi ích của mình trong các quy định của pháp luật, từ đó tạo được thói quen về ý thức chấp hành pháp luật chống khai thác IUU, trở thành động lực khi đi khai thác thủy sản trên biển.

Phương pháp tuyên tuyền cũng có sự đổi mới, linh hoạt, sáng tạo hơn, theo hướng chuyển từ diện rộng, tuyên truyền tập trung đến tổ chức tuyên truyền chuyen sâu cho từng đối tượng cụ thể, trong đó tập trung tuyên truyền vào các chủ tàu cá, thuyền trưởng, thuyền viên, những tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU; kết hợp công tác tuyên truyền vận động với giáo dục, răn đe để đối tượng thay đổi nhận thức, tự giác chấp hành.

Bên cạnh về tuyên truyền các văn bản pháp luật về chống khai thác IUU, các cơ quan, đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cũng đã làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng những gương người dân điển hình trong việc chấp hành tốt các quy định của pháp luật về lĩnh vực thủy sản để mọi người noi theo.

“Với phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, bằng lòng kiên trì, sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chống khai thác IUU có được kết quả tốt.

Nhất định người dân sẽ thay đổi nhận thức để góp phần phát triển một ngành thủy sản Việt Nam bền vững, phát triển kinh tế biển Việt Nam gắn với bảo đảm an ninh chủ quyền biển đảo của tổ quốc; khai thác thủy sản một cách có trách nhiệm vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc và đảm bảo chính lợi ích lâu dài của người dân”, Đại tá Trần Văn Dũng nhấn mạnh.

Nguyễn Tùng – Lê Thanh