Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025.
Đáng chú ý, trong dự thảo, Bộ GTVT cho biết thời gian vừa qua, nhiều địa phương kiến nghị trường hợp phân cấp cho địa phương triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc quan trọng, cấp bách, Chính phủ phát hành gói trái phiếu và cho địa phương vay lại, các địa phương có trách nhiệm hoàn trả từ các nguồn thu của địa phương (đặc biệt là nguồn tăng thêm từ khai thác quỹ đất được hình thành sau khi dự án đường bộ cao tốc đưa vào khai thác).
Tuy nhiên, hiện chưa có hành lang pháp lý đối với hình thức Chính phủ phát hành trái phiếu với mục đích cho địa phương vay lại; đồng thời, việc địa phương vay lại có thể vượt quá mức dư nợ vay của địa phương.
Do vậy, Bộ GTVT cho rằng, cần có cơ chế để Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại để thực hiện các dự án đường bộ cao tốc khi được phân quyền.
Bộ GTVT đề xuất Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù thí điểm Chính phủ được phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại và tính vào bội chi của ngân sách địa phương; đồng thời cho phép các địa phương sử dụng nguồn vốn này được áp dụng mức dư nợ vay theo thực tế số vốn Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại.
Việc Chính phủ phát hành trái phiếu và cho địa phương vay lại, theo Bộ GTVT, có thể giúp địa phương huy động vốn hiệu quả hơn do Chính phủ phát hành trái phiếu sẽ có mức lãi suất suất thấp, huy động dễ dàng hơn trên thị trường tài chính (Chính phủ có thể phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài và lãi suất thấp (hiện nay kỳ hạn trên 10 năm, lãi suất khoảng 2 - 3%/năm).
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng kiến nghị ban hành cơ chế đặc thù thí điểm khác với quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/4/2016 của Chính phủ.
Cụ thể, được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn lập dự án, tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, tư vấn giám sát thi công xây dựng, các gói thầu thực hiện công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Bộ GTVT cũng kiến nghị ban hành cơ chế đặc thù thí điểm khác với quy định tại Luật Khoáng sản, áp dụng đối với các dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, nhà đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng được cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, cát, đá) mà sản phẩm khai thác chỉ sử dụng cho các dự án đường bộ cao tốc thì không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đường bộ cao tốc đi qua được khoanh định khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nêu trên là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Bảo Lâm