Bộ LĐ-TB&XH đề xuất lùi thời điểm tăng lương hưu tới ngày 1/1/2022Bộ LĐ-TB&XH đề xuất lùi thời điểm tăng lương hưu tới ngày 1/1/2022

Theo đó, với phương án điều chỉnh từ ngày 1/7/2021, mức tăng dự kiến sẽ là 10%. Trong khi đó, với phương án điều chỉnh từ ngày 1/1/2022, mức tăng dự kiến sẽ là 15%.

Theo phương án này thì số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách Nhà nước chi trả ước là 896.823 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế). Số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả ước là 2.283.819 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 168.045 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, phương án tăng lương hưu từ tháng 7 năm nay có tính đáp ứng kịp thời do khó khăn chung, nhưng mức tăng lại thấp. Còn nếu điều chỉnh từ ngày 1/1/2022 thì so với thời điểm 1/7 là chậm đi 6 tháng, tuy nhiên người lao động sẽ có thời gian tăng thêm mức hưởng.

Mức đề xuất tăng 15% cũng bảo đảm bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp của người thụ hưởng, do tác động từ yếu tố lạm phát và chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của 3 năm trước và do trong năm 2020, 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Nguồn thực hiện cải cách tiền lương có 2 nguồn là ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Với những người về hưu trước năm 1995 sẽ dùng ngân sách nhà nước (số này không nhiều), còn những người về hưu từ sau năm 1995 sẽ do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.

Trang Nguyễn